CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:13

Tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từ cuối năm 2021, nhân sự kiện hội nghị, triển lãm Thế giới số (tổ chức tại Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông báo, Việt Nam dự kiến sẽ tắt sóng 2G trong năm 2023. Cùng với việc tắt sóng, nhà mạng sẽ hỗ trợ máy điện thoại cầm tay cho các thuê bao 2G.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh (smartphone) đến từng người dân Việt Nam, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.

Về quá trình tắt sóng 2G, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel Tào Đức Thắng cho biết, việc tắt sóng công nghệ cũ phụ thuộc vào chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu của khách hàng và chiến lược của nhà mạng. Vấn đề đặt ra là cần giải quyết hài hòa, tối ưu nhất giữa 3 bên để vừa bảo đảm quyền lợi của khách hàng, hiệu quả của các nhà mạng và quan trọng là đáp ứng được chiến lược phát triển của đất nước.

Đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, công nghệ 2G đã lỗi thời và cần phải từng bước tắt bớt để giải phóng các tài nguyên cho công nghệ mới, cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng cũng như bảo đảm nguồn lực để triển khai các công nghệ tiên tiến. Việc này là cần thiết vì Việt Nam hiện đang trong quá trình chuyển dịch sang doanh nghiệp công nghệ số cũng như định hướng, lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thúc đẩy thực hiện mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Ủng hộ tắt sóng 2G, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm đề xuất cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông nên công bố lộ trình này từ ngày 1-1-2023 để tạo nhận thức toàn xã hội. Đến tháng 9-2024, các nhà mạng sẽ thực hiện tắt hoàn toàn mạng 2G. Việc công bố cần tạo sự nhất quán, thực hiện quyết liệt, thống nhất và đồng bộ.

Cũng theo Tổng Giám đốc VNPT, cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý tới việc xây dựng chính sách khi tắt sóng 2G. Đó là việc quy hoạch băng tần (900MHz, 1800MHz…) vốn dành cho 2G và sau khi tắt sóng sẽ được cấp theo hình thức nào. Tiếp đó cần lưu ý kế hoạch tài chính phục vụ cho việc tắt sóng 2G như hỗ trợ người dùng chuyển đổi điện thoại với chính sách phù hợp…

Thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ người sử dụng smartphone đạt 88%. Nếu chỉ còn 5% người dùng điện thoại 2G vào tháng 12-2022 và đây sẽ là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tắt sóng 2G. Thực tế, từ đầu năm nay, tại tỉnh Lạng Sơn, các nhà mạng MobiFone, VNPT/VinaPhone đã thí điểm tắt sóng 2G tại một số địa bàn trong thành phố. Kết quả cho thấy, tắt sóng 2G không làm gián đoạn thông tin liên lạc do hầu hết người dân đều sử dụng điện thoại thông minh...

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, muốn chuyển đổi số thành công, hạ tầng số phải đi trước một bước. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp, địa phương thực hiện xóa “vùng lõm” sóng 3G, 4G. Đây cũng là điều được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra chiến lược về phát triển hạ tầng trong đó có triển khai 5G vào năm 2022, phủ sóng cơ bản năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ hướng tới phát triển chiến lược mỗi hộ gia đình có đường kết nối cáp quang và mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh…

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh