CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:33

Tất cả người có công, người nghèo đều được chăm lo dịp Tết

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”

 

*Cả xã hội quan tâm chăm lo Tết cho NCC, hộ nghèo

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, mỗi dịp Tết đến, Xuân việc chăm lo Tết cho mọi người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo. Năm nay, với sự tham mưu của Bộ LĐ-TB&XH, đối với người có công, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà theo hai mức: 200 nghìn đồng và 400 nghìn đồng/đối tượng. Quyết định này kèm theo kinh phí đã có ở các địa phương.

Cùng với quà của Chủ tịch nước, các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương hiện cũng đã chủ động kinh phí tặng quà. Về đối tượng người nghèo, có hai mức hỗ trợ: hỗ trợ gạo và hỗ trợ tiền. Có địa phương quyết định hỗ trợ 300 nghìn đồng/hộ, có địa phương quyết định hỗ trợ 500 nghìn đồng/hộ để ăn Tết. Cùng với đó, các doanh nghiệpcộng đồng cũng huy động hỗ trợ thêm để tất cả các người nghèo đều có Tết.

Về câu hỏi lao động đang làm việc tại một doanh nghiệp phía nam, gần cuối tháng 1/2015 vẫn chưa nhận thông tin gì về thưởng Tết. Các cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện thưởng Tết của doanh nghiệp cho người lao động như thế nào? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết:  “Với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về lương, thưởng Tết, có thể khẳng định đến thời điểm này, qua kiểm tra, giám sát của Vụ Lao động-tiền lương và báo cáo của các địa phương, đã có trên 80% doanh nghiệp đã thưởng tết Dương lịch cho người lao động với mức 1,5 triệu đồng. Đối với Tết cổ truyền dân tộc tới đây, phần đông các doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết, mức bình quân chung lao động được nhận thưởng là 5 triệu đồng, tăng 15% so với năm trước. Năm 2014, còn nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng đến giữa tháng 1/2015 đều có phương án thưởng Tết. Đây là sự cố gắng của các doanh nghiệp cần ghi nhận”.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, nếu một bộ phận doanh nghiệp khó khăn, không thể thưởng Tết cho lao động, thì cần  báo cáo ngay với Bộ LĐ-TB&XH, để Bộ đề nghị địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân, có phương án hỗ trợ cho người lao động vui Xuân, đón Tết. “Thưởng Tết là khoản khuyến khích doanh nghiệp. Theo hợp đồng với người lao động, có qui định các khoản thưởng vào các dịp nghỉ lễ, tết, người lao động có quyền giám sát việc thực hiện đó. Nếu lao động ở đâu chưa thấy được thưởng, nên kiểm tra lại hoặc doanh nghiệp chưa thực hiện, cần báo với công đoàn để đôn đốc doanh nghiệp thực hiện. Còn khi doanh nghiệp đã có quy định từ đầu năm mà không thực hiện, thì báo cáo Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH địa phương để can thiệp, xem xét yêu cầu thực hiện đúng quy định của doanh nghiệp về lương thưởng trong hợp đồng lao động.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tặng quà Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng NCC Liêm Cần-Hà Nam nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014  (Ảnh tư liệu)

 *Thị trường lao động đang khởi sắc

 Xung quanh thông tin lao động Việt Nam làm việc ở một nước Trung đông phản ánh bị ngược đãi, phải tự mua vé máy bay về nước. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đây là vấn đề Bộ rất quan tâm và đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê-út xem xét. Hiện có khoảng 4.000 lao động Việt Nam đang  giúp việc gia đình tại các quốc gia ở Trung đông.

Trước khi đưa lao động sang, Cục Quản lý lao động ngoài nước(Bộ LĐ-TB&XH), đã yêu cầu các doanh nghiệp cần thông tin đầy đủ về thị trường lao động đó, hướng dẫn người lao động nắm bắt, hiểu biết về phong tục tập quán và các quy định trong hợp đồng. “Có thể trường hợp doanh nghiệp đưa lao động sang, nhưng chuẩn bị chưa kỹ cho lao động về tình hình nơi đến, phong tục tập quán, điều kiện sinh hoạt, nên một số chị em khi sang đến nơi không hòa nhập được đã tự ý bỏ về, chứ chưa hẳn là bị ngược đãi...”-Bộ trưởng thông tin. Để giải quyết vấn đề này, theo quy định, doanh nghiệp phải cử cán bộ ở tại đó phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Về câu hỏi sang năm mới, Bộ LĐ-TB&XH có định hướng gì cho các thị trường xuất khẩu lao động? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Năm 2014 thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục khởi sắc, lần đầu tiên Việt Nam đưa đi làm việc ở các thị trường nước ngoài hơn 100.000 người, trong đó có khoảng 20.000 lao động có tay nghề chuyên môn, đây là một thành công lớn. Năm 2015, thị trường xuất khẩu lao động tay nghề cao sẽ tiếp tục đưa lao động có tay nghề sang Nhật Bản, CHLB Đức với các nghề hộ lý, y tá...

“ Năm 2015, ngoài các thị trường truyền thống như: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung đông sẽ mở thêm thị trường sang Thái Lan, Lào...hiện những văn bản pháp lý hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động các quốc gia trên đã gần hoàn tất...”-Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin.

 

Về công tác đảm bảo an sinh xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Tiếp tục thực hiện các chính sách đã có, đồng thời triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách các vấn đề: Việc làm, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động... bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, cũng như chăm sóc các đối tượng xã hội, người có công tốt hơn. Hiện, các đối tượng người có công, người cao tuổi... đang được hưởng chính sách tăng cả về mức và số lượng cũng sẽ được thực hiện  khá đầy đủ. Năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH cùng MTTQ Việt Nam các cấp, UBND các tỉnh thành, tập trung giải quyết các tồn đọng thông qua các việc rà soát chính sách người có công. Phấn đấu đến cuối năm 2015, cơ bản tất cả các đối tượng người có công còn tồn đọng hồ sơ, đều được được giải quyết.

Thanh Phúc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh