CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:42

Tập trung phòng, chống dịch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng chống dịch

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 nghìn tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 nghìn tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng

Trong Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu:

Tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tiêm chủng vaccine, chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh, đặc biệt là trong công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine... phải bảo đảm khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Việc quản lý, sử dụng Quỹ vaccine phòng COVID-19 và các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho phòng, chống dịch bệnh phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không được để xảy ra tiêu cực, lãng phí, trục lợi.

Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, có kế hoạch, lộ trình cụ thể thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách; phân công cụ thể nhiệm vụ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan và các đồng chí lãnh đạo phụ trách; xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh để phấn đấu đạt được mục tiêu giải ngân đề ra của năm 2021, góp phần thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế.

Hằng tháng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, gửi kết quả giải ngân vốn đầu tư công về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ chậm nhất là ngày mùng 3 của tháng tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Tập trung khắc phục những hạn chế trong đầu tư công


Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa)

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 nghìn tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu năm đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.

Chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào.

Theo Thủ tướng, tình hình trên có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo. Tuy nhiên, trong điều kiện chung, vẫn có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, cho nên vấn đề vẫn là khâu tổ chức thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, biểu hiện ở một số điểm: Xây dựng các dự án, chuẩn bị đầu tư tính toán không kỹ càng, dàn trải; từ dàn trải dẫn tới thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và không đúng bản chất đầu tư công là đầu tư cho phát triển. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp để tổ chức thực hiện có những nơi, những lúc thiếu tập trung, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc. Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, có nơi thiếu minh bạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân.

Thủ tướng lưu ý, các quy định khi ban hành không thể bao phủ được hết mọi góc cạnh của cuộc sống, trong quá trình thực hiện, những gì vướng mắc, chưa đúng, chưa sát thì phải phát hiện kịp thời, nhanh chóng khắc phục. Việc giải ngân vốn ODA chậm cũng do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nếu do chủ quan thì phải chỉ ra và khắc phục ngay.

Về tình hình, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhận thức rất rõ bối cảnh sẽ rất khó khăn do đợt bùng phát dịch thứ 4 tác động rất mạnh mẽ tới phát triển kinh tế, đời sống và sinh kế nhân dân. Chính vì thế, càng phải tập trung khắc phục những hạn chế trong đầu tư công. Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đã thống nhất lộ trình mở cửa nền kinh tế và phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Các địa phương căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế để có lộ trình phù hợp, hiệu quả, mở cửa trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để vừa phải chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh