CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:55

Tập trung phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Người dân chưa chủ động tham gia BHYT     

Theo Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), tính đến tháng 10/2015, đã có 73,56% dân số tham gia BHYT. Để đạt chỉ tiêu 75,4% được Chính phủ đặt ra trong năm 2015, nhiệm vụ trong tháng cuối năm vẫn cần tăng độ bao phủ thêm 1,84% dân số. Trong các nhóm đối tượng tham gia BHYT, tỉ lệ thấp nhất là ở nhóm hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (hiện mới chỉ có 4,1% tham gia), tiếp đến là nhóm tham gia theo hộ gia đình (33,5% tham gia)... Ngoài ra, NLĐ và người sử dụng lao động tham gia BHYT khoảng ba triệu người (chiếm 21,7%), trong đó chủ yếu là NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp. Nhóm được ngân sách nhà nước đóng khoảng một triệu người (3,3%), chủ yếu tập trung ở nhóm người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn và nhóm người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo (hiện vẫn còn hơn 50% đối tượng là người đang sinh sống tại các xã đảo chưa có thẻ BHYT). Nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng một phần khoảng hơn bốn triệu người (21,9%), gồm các đối tượng: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo với khoảng 600.000 người chưa tham gia; học sinh, sinh viên (HSSV) với khoảng 2,1 triệu HSSV chưa tham gia; khoảng 1,5 người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT. Và hiện có tới 67,4% thuộc đối tượng tham gia theo hộ gia đình tương ứng với khoảng 16,2 triệu người không tham gia BHYT...

Ảnh minh họa.

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT là đa số người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHYT cũng như trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng xã hội, chưa tích cực, chủ động tham gia BHYT. kinh tế của đại bộ phận hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình. Một bộ phận người dân có thu nhập khác cũng không muốn tham gia BHYT, khi có nhu cầu thì đi khám chữa bệnh dịch vụ. Tình trạng doanh nghiệp không đóng, trốn đóng hoặc chậm đóng BHXH, BHYT diễn ra khá phổ biến (theo thống kê, có hơn 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT). Nhóm đối tượng HSSV mặc dù được tạo điều kiện thuận lợi về phương thức đóng BHYT (đóng hai hoặc ba lần/năm học) nhưng vẫn còn nhiều HSSV có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều gia đình đông con, nên không thể tham gia BHYT. Đối với người thuộc hộ gia đình là nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, đối tượng này chiếm khoảng 35% tổng số hộ gia đình, mặc dù đã được cơ quan BHXH tạo thuận lợi về mặt thủ tục và được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhưng hầu hết người dân chưa biết đến chính sách này. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến đối tượng này, cho nên việc phát triển nhóm đối tượng ngày gặp nhiều khó khăn...

Phấn đấu bao phủ BHYT 75,4% dân số trong năm 2015

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, năm 2016, việc thực hiện chính sách BHYT nói chung, công tác giám định BHYT nói riêng sẽ có không ít khó khăn do nhiều quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014 bắt đầu có hiệu lực. Trước đó, ngày 25/11, BHXH Việt Nam đã có công văn số 4718/BHXH-CSYT, nêu rõ 10 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách BHYT năm 2016. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phát triển đối tượng tham gia BHYT. BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH CAND, Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc và phía Nam chủ động phối hợp với các sở, ngành tại địa phương, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết để phát triển đối tượng tham gia BHYT theo các nội dung đã được hướng dẫn tại Công văn số 4475/BHXH-BT ngày 11/11/2015 của BHXH Việt Nam, phấn đấu đạt chỉ tiêu độ bao phủ 75,4% dân số có thẻ BHYT theo Quyết định 1584 ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo ông Sơn, giải pháp đầu tiên cần thực hiện là BHXH các địa phương phải gấp rút xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về phát triển đối tượng BHYT; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp thanh tra kiểm tra thực hiện chính sách BHYT tại các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Tập trung phát triển BHYT học sinh sinh viên tại các địa phương có tỉ lệ thấp. Nghiêm túc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, không được phát sinh thêm các thủ tục cho người dân khi tham gia BHYT, khám chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế phối hợp BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ, trình UBTV Quốc hội phương án thực hiện BHYT hộ gia đình linh hoạt theo hướng các thành viên theo hộ gia đình đều bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên sẽ chấp nhận phát hành thẻ cho từng thành viên mà không bắt buộc toàn bộ gia đình phải tham gia cùng thời điểm, đồng thời vẫn giảm trừ mức đóng cho những thành viên tiếp theo... nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện BHYT hộ gia đình.

Điều đáng nói, hiện nay trong số 28 tỉnh, thành phố có biển đảo, hiện mới có tỉnh Quảng Nam trình Chính phủ công nhận các xã, huyện đảo của địa phương để làm căn cứ phát hành thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Chính phủ ban hành quyết định công nhận xã đảo, huyện đảo, vùng bãi ngang... Ngoài ra Ban Thực hiện chính sách BHYT cũng đặc biệt lưu ý cơ quan thực hiện chính sách tại địa phương cần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, và cả trong chuẩn bị các điều kiện thực hiện thông tuyến huyện vào năm 2016 theo lộ trình đã đặt ra trong Luật BHYT 2014. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng, tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

MINH VŨ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh