Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Tây Nguyên
- Tây Y
- 15:51 - 18/10/2021
Tại tỉnh Đắk Lắk: Tính đến ngày 18/10, huyện biên giới Ea Súp có 390 nhà bị ngập. Các hộ có nhà bị ngập đã được sơ tán tại chỗ, đảm bảo an toàn.
Trước đó: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương và Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 (Quân khu 5) triển khai lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ các hộ dân có nhà bị ngập di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã kịp thời ứng cứu 16 người dân bị cô lập tại huyện Ea Súp, di dời 29 hộ ở xã Ea Bung và xã Ia Lốp bị ngập đến nơi an toàn. Tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk phối hợp với chính quyền địa phương di dời 6 hộ có nhà bị ngập đến nơi an toàn.
Tại Huyện Ea H’leo có 27 nhà bị ngập, huyện Buôn Đôn có 9 nhà bị ngập. Các địa phương đã sơ tán khẩn cấp người dân đến nơi an toàn. Mưa lũ khiến huyện Ea Súp thiệt hại khoảng 1.873 ha lúa, hoa màu, 11,9 ha ao cá, 918 con gia súc gia cầm. Huyện Ea H’leo có khoảng 60 ha cây trồng các loại bị ngập. Mưa lũ làm nhiều tuyến đường giao thông liên xã của huyện Ea Súp bị ngập nặng, gây cô lập nhiều khu dân cư. Nhiều điểm trên tuyến đường tỉnh lộ 1, 3, 10, 13 và 15 bị ngập và hư hỏng gây khó khăn trong lưu thông.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 15-16/10, địa bàn huyện Ea Súp, Ea H’leo có mưa to, gây ngập lụt cục bộ và thiệt hại. Chính quyền địa phương cùng người dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra để sớm ổn định cuộc sống.
Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, các Đồn Biên phòng đã bố trí lực lượng thường trực và được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, y tế để phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mưa lũ. Khi nước lũ rút, các lực lượng này hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, tiêu độc khử trùng, khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra để nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, song song với công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, bố trí lực lượng và phương tiện túc trực tại các khu vực xung yếu để hướng dẫn người, phương tiện qua lại và sẵn sàng ứng phó với các tình huống; triển khai lực lượng để sơ tán người, tài sản của người dân đến nơi an toàn; di dời các hộ dân có nguy cơ bị ngập đến khu vực cao. Đơn vị vận hành hồ chứa cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, đặc biệt là theo dõi lượng nước đầu nguồn đổ về hồ để có phương án ứng phó, điều tiết xả nước phù hợp với tình hình. Khi có kế hoạch xả nước, đơn vị phải thông báo ngay cho người dân và chính quyền địa phương để chủ động các biện pháp phòng, chống.
Tại tỉnh Gia Lai: Lượng nước mưa lớn nhiều giờ trong những ngày qua đã làm cho nhà của gần 20 hộ dân ở hẻm 435 đường Lý Thái Tổ (TP Pleiku, Gia Lai) bị ngập lụt, bàn ghế, tủ lạnh... hư hỏng làm cho việc đi lại của các phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn.
Khu câu cá dịch vụ của anh Lưu Huỳnh Đức (30 tuổi) ở số 73 đường Trần Kiên, thành phố Pleiku bị ngập, nước lũ đổ về làm sập 27 chòi câu cá. Anh Đức nhận định, do dòng chảy của suối hẹp, cát đá làm tắc cống dẫn đến thiệt hại này. Ngoài ra, bàn ghế, cá, cùng nhiều thiết bị điện tử khu câu cá của anh Đức cũng bị cuốn đi.
Ông Đỗ Việt Hưng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku, cho biết mưa lớn khiến nhiều nhà dân bị ngập nước. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng như công an, dân phòng… của thành phố đã tổ chức giúp dân di tản người, đồ đạc lên nơi cao ráo. Theo ông Hưng, chính quyền sẽ thống kê thiệt hại cụ thể để có phương án hỗ trợ, giúp dân khắc phục, ổn định cuộc sống.
Ngầm tràn ở xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai bị ngập, người dân tạm bị chia cắt.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, đến thời điểm này, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại lớn do cơn bão số 8 gây ra, hiện Sở đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm tình hình và thống kê thiệt hại.
Trước đó: Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai kịp thời sơ tán hàng chục hộ gia đình ở hẻm 11 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Pleiku và tài sản của họ đến nơi an toàn, trong đó có người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, không xảy ra thiệt hại về người.
Tại tỉnh Kon Tum mưa to gây sạt lở, ách tắc giao thông tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, gây sạt lở một số điểm trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Đăk Glei. Đặc biệt, nước sông Pô Kô dâng cao làm cho cầu treo ở xã Đăk Pek (huyện Đăk Glei) bị nước lũ cuốn trôi mố cầu, hiện có 27 căn nhà bị ảnh hưởng do bão số 8. Ngoài ra, lực lượng chức năng của huyện cũng đã di dời 67 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.