THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:01

Tập trung đầu tư cho giáo dục các tỉnh miền Tây

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hội nghị trao đổi bàn bạc để tìm cách đầu tư thêm và đầu tư sâu để phát triển giáo dục ĐBSCL trong 5-10 năm tới.

Đường đi học của nhiều học sinh vùng ĐBSCL gian nan hơn so với các địa phương khác

Mặc dù vùng ĐBSCL có điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua đã có sự cố gắng trong phát triển kinh tế, quan tâm tới các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục - đào tạo, nhưng cho đến giờ, khu vực này vẫn là “vũng trũng” về giáo dục.

Theo đại diện ngành Giáo dục một số địa phương, một trong những khó khăn đối với việc học cho người trẻ ở vùng ĐBSCL, đó là địa hình bị chia cắt do sông rạch chằng chịt, buộc địa phương phải mở nhiều điểm trường lẻ, phải phân bổ giáo viên dù số lượng học sinh ít ỏi. Ở đó, học sinh không thể hưởng thụ những cơ sở vật chất như của điểm chính. Do đó, một số địa phương đề nghị việc sắp xếp các trường cần gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới và xây dựng hệ thống giao thông.

Phát triển giáo dục cần có sự hỗ trợ của phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần có cơ chế cụ thể về việc xác định và điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư cho giáo dục đào tạo theo hướng tăng chi đầu tư cho phát triển, giảm chi thường xuyên (hiện chiếm 82% ngân sách chi cho giáo dục) theo hướng tăng quyền tự chủ, điều chỉnh cơ cấu chi cho các bậc học, ngành học, ưu tiên đầu tư cho các trường mầm non và giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, cần có chế độ hỗ trợ cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Đồng thời, cũng phải nghiên cứu cơ chế đặc thù riêng cho ngành giáo dục về vấn đề tinh giản biên chế. Vì hiện nay số học sinh, số lớp đều tăng, số biên chế giáo viên giảm sẽ khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của ngành.

Cần tập trung đầu tư để có thể "nâng trũng" cho giáo dục khu vực D(BSCL trong tầm nhìn 5-10 năm tới

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết từ đề xuất, gợi ý các giải pháp của các địa phương, bộ sẽ tổng hợp và đề xuất Chính phủ cơ chế đầu tư cho giáo dục ĐBSCL. Trong bối cảnh hiện nay, cần có sự phối hợp giữa các địa phương, thống nhất cơ cấu nguồn chi phù hợp, từng bước “nâng trũng” một cách cơ bản cho giáo dục khu vực.

NGỌC HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh