Tập trung cho công tác lập pháp trong Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội
- Tây Y
- 23:22 - 18/12/2019
Trình bày báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 28 ngày làm việc, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp với kết quả thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác; giám sát 1 chuyên đề, xem xét nhiều báo cáo và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn; đồng thời thể hiện sự chủ động, thận trọng, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong công tác phối hợp chuẩn bị, tiến hành kỳ họp của cả hệ thống chính trị, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc tổ chức Kỳ họp thứ 8 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, đó là: Một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. Chính phủ đề nghị bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đã được lưu ý từ rất sớm, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp. Vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu "Mật", gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội, cũng như cơ quan thông tấn báo chí; Một số chất vấn còn dài dòng, chưa rõ ý; việc thảo luận, tranh luận có lúc chưa hiệu quả. Một số phần trả lời của Bộ trưởng, Trưởng ngành còn chung chung, chưa đúng trọng tâm. Trong việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số vấn đề quan trọng, tỷ lệ đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến còn thấp so với tổng số đại biểu Quốc hội.
Thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 20,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2020 và bế mạc vào ngày 17/6/2020.
Trong đó, Quốc hội sẽ dành thời gian cho công tác lập pháp 11 ngày. Cụ thể, Quốc hội xem xét thông qua 10 dự án Luật và 1 dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 với thời gian là 5,75 ngày. Quốc hội cũng dành 5,25 ngày cho ý kiến 7 dự án Luật.
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội dành 9,5 ngày làm việc. Trong đó dự kiến sẽ có 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự kiến nội dung, thời gian của kỳ họp và thông báo đến các cơ quan có trách nhiệm để chủ động chuẩn bị.
Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao đối với báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8 và dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ cơ bản tán thành với báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8 và dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, đối với việc thảo luận về các vấn đề kinh tế- xã hội cần được nghiên cứu có những đổi mới, bố trí thời gian cho phù hợp để các ý kiến được mới mẻ, phong phú, không trùng lắp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Kỳ họp thứ 8 vừa qua đã có nhiều kết quả đạt được trong việc điều hành, chỉ đạo, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan. Nội dung kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng và đúng quy định. Việc phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tư liệu tiếp tục có cải tiến, đổi mới. Phần mềm ứng dụng tại kỳ họp tiếp tục được nâng cấp, phát huy hiệu quả, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Kỳ họp thứ 8 vừa qua với khối lượng công việc rất lớn nhưng đã khẳng định và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; thực hiện đúng quy chế làm việc, phối hợp rất tốt với Chính phủ. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm một số tồn tại ,hạn chế tại kỳ họp vừa qua để có những đổi mới, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, tập trung cho công tác lập pháp trong Kỳ họp thứ 9 tới đây,
Trước đó UBTVQH đã tiến hành biểu quyết với tỷ lệ 100% Ủy viên UBTVQH đồng ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở 11 tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và việc thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.