THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:36

Tập thiền không ngừng suốt 48 năm, tôi đã sống được một đời mãn nguyện không hối tiếc

Vào năm 1972, khi bê bối Watergate nổ ra, còn chiến tranh tại Việt Nam đang dần đi tới hồi kết, Don Johnson mới chỉ là sinh viên năm cuối của một trường đại học. Sau một thời gian dài sử dụng chất kích thích để chống chọi với những bất ổn xã hội, ông quyết định tìm kiếm sự bình yên cho bản thân thông qua thiền định. 

Chỉ sau một năm, Johnson đã trở thành môn đồ của đạo sư Prem Rawat. Ông tiếp tục hành thiền theo những nguyên tắc nghiêm ngặt trong 10 năm tiếp theo, trước khi trở thành giáo viên thiền và đi chu du khắp thế giới, từ Ghana, Cameroon, Ai Cập… cho đến Áo, Hy Lạp, Hà Lan, Anh, Úc, Canada và Mỹ. Sau năm 1984, Johnson lập gia đình và bắt đầu công việc sales, quản lý, tư vấn kỹ năng lãnh đạo. Dù bận bịu, ông vẫn không quên duy trì thói quen tập thiền mỗi ngày.

Dưới đây là những bài học Don Johnson đã rút ra sau 48 năm tập thiền không ngừng nghỉ.

***

Tập thiền để tận hưởng sự thanh bình, năng lượng và an yên

Mỗi khi tập thiền xong, tôi đều cảm thấy biết ơn vì được sống và biết đến sự tồn tại của mình. Tâm trí tôi trở nên thông suốt và tập trung, cơ thể cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và tình yêu. Tôi bắt đầu mỗi ngày của mình như vậy và cố gắng để sống trọn từng khoảnh khắc dù chuyện gì xảy ra. Mục đích của thiền định không phải là để kiểm soát tâm trí. Tâm trí yên bình là kết quả khi chúng ta kết nối được với những trải nghiệm nội tâm.   

Kỹ thuật chính của thiền định là nhận thức về hơi thở - một điều rất phổ biến trong các phương pháp thiền và yoga. Bộ não không ngừng hoạt động của chúng ta cần thứ gì đó để tĩnh tâm lại, và hơi thở là thứ tự nhiên nhất mà chúng ta sẵn có.

Hệ hô hấp là hệ thống duy nhất trong cơ thể vừa hoạt động vô thức, vừa hoạt động có ý thức. Việc tập trung vào hơi thở giúp chúng ta cảm nhận được khoảnh khắc hiện tại. Càng thở, những dòng suy nghĩ càng chậm lại, và chúng ta lại càng cảm nhận được nhiều hơn thế giới nội tâm.

Sau một thời gian quá tập trung vào hơi thở, tôi đã học được cách thư giãn, cứ để cho dòng tâm trí đến và đi theo từng nhịp thở. Càng làm nhiều, tôi mới nhận ra thiền định chính là không làm gì cả. Điều đó sẽ mở ra một dòng năng lượng cực kỳ lớn - sinh lực bên trong tôi.

Tập thiền không ngừng suốt 48 năm, tôi đã sống được một đời mãn nguyện không hối tiếc: Tinh thần thêm kiên cường, hạnh phúc càng dài lâu - Ảnh 1.

Chúng ta sẽ trở thành thứ mà chúng ta chú trọng

Ban đầu, thiền định không phải là bộ môn dễ dàng với tôi. Tôi khó có thể ngồi yên lặng trong vòng 30-60 phút. Cơ thể khó chịu, danh sách những việc cần làm cứ hiện ra, tiếng ồn càng làm tôi thêm phân tán và mất kiên nhẫn.

Sau nhiều năm, tôi học được cách kiểm soát mọi thứ. Khao khát chính là động lực để thúc đẩy hành động. Nếu muốn thứ gì đó mà không nỗ lực, tôi sẽ không làm nên chuyện gì. Nếu muốn tận hưởng sự bình yên và hạnh phúc, tôi cần phải làm tốt việc của mình. 

Tâm trí sẽ cố gắng nhồi nhét nỗi sợ hãi, nghi ngờ, xấu hổ để phá hoại trạng thái cân bằng của chúng ta. Nó khiến chúng ta nghĩ: “Mình không thể tập thiền”, “Mình không thể ngồi yên”, “Những việc khác còn quan trọng hơn là ngồi thiền”, “Việc này chỉ tốn thời gian”... Đừng bao giờ lắng nghe những lời nói ấy.

Khi tôi thiền, từng dòng suy nghĩ cứ đến rồi đi. Tôi không kháng cự hay đối đầu với chúng, chỉ tập trung vào hơi thở của mình. Cứ như vậy, những suy nghĩ đó sẽ biến mất. Trong khoảnh khắc hiện tại, nỗi sợ hãi, hoài nghi, lo lắng, bận tâm về những chuyện đã và sẽ xảy ra dường như không tồn tại.

Khi thiền, chúng ta có thể quan sát các dòng suy nghĩ của mình từ bên ngoài. Nhờ vậy, chúng ta cảm thấy kết nối hơn với tiềm thức và nội tâm của mình.

Sự kiên trì là mấu chốt

Luyện tập thường xuyên là điều cần thiết. Dù mục tiêu của bạn là 30 phút, chỉ tập 10 phút thôi cũng hơn là không làm gì. Việc tập thiền suốt 48 năm qua không có nghĩa là tôi cho phép mình nghỉ ngơi dù chỉ một ngày. Thói quen này giống như sạc pin vậy, nếu muốn sạc điện thoại, bạn phải cắm vào nguồn điện thường xuyên.

Thời gian và vị trí cũng cần phải hợp lý. Đối với tôi, thời điểm thích hợp nhất là vào buổi sáng, còn vị trí nên là một chiếc ghế thoải mái ở khu vực ít hoặc không có ánh sáng. Nhiều người sẽ muốn nghe nhạc nhẹ, nhưng tôi thấy điều đó chỉ thêm xao nhãng. Nếu có nhiều người ở nhà, tôi sẽ nhắc họ mình cần không gian yên tĩnh.

Tập thở là một việc rất thực tế. Khi đi lại, ngồi xuống, nói chuyện với người khác, chơi tennis, tập gym hay đứng xếp hàng mua thực phẩm, tôi đều chú trọng vào việc hít thở. Tôi cảm thấy mình tập trung, bình tĩnh và ý thức rõ hơn về hành động của mình.

Khi bị phân tâm bởi suy nghĩ hay quên tập thiền một ngày, tôi cũng không tự trừng phạt bản thân. Khi không thể tập trung, tôi cũng chẳng hoảng loạn. Tôi cứ mặc kệ nó. Nhiều năm trước, một người đàn ông đã chia sẻ với tôi về bài học mà anh ta đã lĩnh hội: “Chúng ta chính là quan tòa, thẩm phán và quản ngục của chính mình”. Điều đó rất đúng. Tôi chính là người sẽ đánh giá và tự tạo lồng giam cho bản thân.

Hãy quên đi sự giác ngộ. Có thời điểm, tôi đã nghĩ sự giác ngộ chính là đích đến cuối cùng của thiền định. Nhưng hóa ra không phải. Không tồn tại bất kỳ điểm đến nào cả, vì hành trình và trải nghiệm diễn ra trong mọi khoảnh khắc.

Tập thiền không ngừng suốt 48 năm, tôi đã sống được một đời mãn nguyện không hối tiếc: Tinh thần thêm kiên cường, hạnh phúc càng dài lâu - Ảnh 2.

Thiền định có thể tạo nên một tinh thần kiên cường

Tôi đã học được rất nhiều điều về thái độ, khả năng phản ứng và cách giữ vững lòng kiên định trước những suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Đôi lúc, những dòng suy nghĩ này cứ liên tục thôi thúc tôi từ bỏ thiền định và chạy trốn mọi thứ. Vì thế, tôi cố gắng linh hoạt để không gục ngã. Tôi tưởng tượng mình như cái cây, rễ cắm sâu xuống đất, mặc cho cơn bão xô đẩy, bẻ cong cành. Trong vòng 10 năm đầu tiên tập thiền, có vài lúc tôi đã gần như suy sụp hoàn toàn.

Khi tạm biệt nghề giáo viên dạy thiền nữa để xây dựng gia đình và làm việc tại Mỹ, tôi bắt đầu cảm thấy trân trọng những tháng ngày tập thiền đã tôi luyện tinh thần kiên cường. Tôi đã học được cách kiên nhẫn, tin tưởng vào bản thân, cũng như sự quan trọng của việc bình tĩnh và tập trung. Tôi học được cách không bao giờ từ bỏ những gì mà trái tim và lý trí mong muốn.

Chỉ thiền định thôi chưa đủ để đem lại bình yên cho chúng ta

Chúng ta cần sống một đời yên bình. Đối với tôi, đó là sống một đời phù hợp với những giá trị cao nhất của bản thân và tự hào về cách mình hành xử. Hiện tại, tôi có 4 giá trị định hướng: sự chính trực, trách nhiệm, sự khiêm nhường và sự tôn trọng dành cho mọi người.

Ở độ tuổi 40-50, dù đã tập thiền chuyên sâu trong nhiều năm, tôi đã đưa ra một vài lựa chọn tệ hại, không phản ánh đúng giá trị cao nhất của mình. Tôi phải trả giá và trải qua những tháng ngày stress, tổn thương, buồn bã và trầm cảm. Kể cả khi đã tập thiền và tìm thấy một chút bình yên trong tâm hồn, nhưng khi mở mắt ra, tôi vẫn cảm thấy hỗn loạn. Cuộc đời tôi không hẳn là yên bình. Tôi hiểu ra rằng, sự hài lòng luôn hiện diện trong thâm tâm tôi, nhưng tôi cần đem nó vào trong cuộc sống bằng cách đưa ra những lựa chọn đúng đắn.

Để cả một cuộc sống đầy đủ, lành mạnh và bình yên, bạn cần cố gắng trong mọi lĩnh vực. Tập thiền chỉ là một trong số đó.

Sau 10 năm sống như một tu sĩ, tập thiền từ sáng tới đêm trong nhiều giờ, tâm hồn tôi càng thêm phong phú nhưng sức khỏe tinh thần lại yếu đi. Việc quá chú trọng thiền định đã khiến tôi phải trả giá bằng chính cơ thể mình. Phải mất nhiều năm nghiên cứu, trị liệu và trải nghiệm cuộc sống, tôi mới trở nên cân bằng hơn.

Tập thiền không ngừng suốt 48 năm, tôi đã sống được một đời mãn nguyện không hối tiếc: Tinh thần thêm kiên cường, hạnh phúc càng dài lâu - Ảnh 3.

Chúng ta đều kết nối với nhau

Tôi đối xử với bản thân như cách tôi đối xử với người khác. Nếu bất mãn với người khác, tôi cũng sẽ bất mãn với chính mình. Nếu yêu thương và đối xử tốt với bản thân, tôi sẽ làm điều tương tự cho người khác. Để sống một đời thanh bình, tôi biết mình phải trở nên tốt bụng, yêu thương và tha thứ. Tôi cần phải chấp nhận những mặt tối của bản thân. Nếu phủ nhận hay bỏ qua, chúng sẽ lặng lẽ khiến tôi yếu đuối.

Nỗi đau, chiến tranh, sự thù ghét và nỗi sợ hãi đến từ quan niệm sai lầm về sự chia tách. Chúng ta quên mất rằng sợi dây cuộc sống đã kết nối chúng ta với nhau. Thiền định có thể giúp bạn khai mở tâm trí để nhìn thấy sợi dây đó.

Hồi còn sống ở một ngôi làng nhỏ tại Ghana, tôi đã dạy thiền cho một bác thợ xây già. Ông ấy không đi học, đôi bàn tay thô ráp và đầy sẹo, dáng người khắc khổ sau nhiều năm bán lưng cho trời. Ông ấy muốn thấu hiểu nội tâm của mình. Ông muốn được trải nghiệm niềm vui và tình yêu trong tâm hồn. Tôi hướng dẫn, và ông lặng lẽ ngồi xuống hành thiền. Khi ông mở mắt, cả người như sáng bừng niềm vui, những dòng nước mắt lăn dài trên má.

Ông ấy đã hiểu ra. Và tôi cũng vậy.

Trong mỗi con người, dù sống ở đâu hay là ai, đều tồn tại một luồng sinh khí. Khi luồng sinh khí đó đánh thức trái tim, chúng ta sẽ cảm thấy gần gũi hơn với nhau cũng như với hành tinh sinh đẹp mà mình đang sống.

***

Tôi vô cùng biết ơn quãng thời gian 48 năm tập thiền của mình. Thiền định đã mở ra một trải nghiệm mới trong cuộc đời tôi, đem đến thật nhiều hạnh phúc và mãn nguyện cho tâm hồn. 

(Theo Medium)

Linh Hân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh