THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:31

Tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh

Tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh - Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh mạnh việc tập trung tháo gỡ về thể chế chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tư nhân

Tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, đổi mới quản lý Nhà nước cần được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế cần đi trước một bước, tập trung hơn nữa để đưa đất nước phát triển. Theo Thủ tướng: "Chúng ta nhận thức đây là đề án quan trọng, quy mô và phạm vi rất rộng, tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mới của đất nước sau Đại hội Đảng XIII".

Nói về một trong những nguyên nhân của các thành tích thời gian qua, đặc biệt là 5 năm qua, Thủ tướng cho rằng, đó là việc giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó đặt vấn đề về kinh tế tư nhân một cách đúng mức. Theo Thủ tướng, còn các mặt tồn tại, hạn chế, ràng buộc nhất định đối với sự phát triển. Do đó, cần thảo luận đâu là điểm kiềm chế đối với sự phát triển. Tinh thần là phải đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế để kinh tế phát triển tốt hơn, bền vững hơn.

Trình bày báo cáo tóm tắt về đề án, cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phạm vi, đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế của Nhà nước thuộc nhóm cơ quan hành pháp và chức năng có tính chất tổng hợp, liên ngành. Đề án đã đưa ra 5 nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ theo các chức năng cơ bản của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Về mục tiêu tổng quát, theo đề án, đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý Nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân nêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW và Nghị quyết 98/NQ-CP. Các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện. Đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế.

Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung gắn kinh tế tư nhân với phát triển kinh tế đất nước khi mà thời gian qua, kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh, xuất hiện nhiều tập đoàn lớn, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng. Phải nêu rõ hơn về các cản trở, ràng buộc đối với sự phát triển kinh tế tư nhân và các giải pháp tháo gỡ.

Cho rằng cần rà soát kỹ các nội dung, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề quan trọng tác động đến yêu cầu đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế, đó là tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế biến động nhanh, phức tạp, đặc biệt là tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch và sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học công nghệ, cách mạng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, đề án cần quán triệt các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiều quan điểm, định hướng mới về quản lý Nhà nước về kinh tế, trong đó có các quan điểm, các đột phá lớn về kinh tế tư nhân.

Theo Thủ tướng, quản lý Nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ về thể chế chính sách, pháp luật, giải phóng sức sản xuất và nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cũng nhất trí đưa các nội dung của đề án vào chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cũng trong chiều 18/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ thảo luận dự thảo Báo cáo Quốc hội về tình hình vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Về đánh giá tình hình nợ công, Thủ tướng nêu rõ, trong dự thảo Báo cáo cần đánh giá đúng thực trạng, nêu bật xu hướng nợ công giảm so đầu nhiệm kỳ; trong đó tỷ lệ nợ công so với GDP giảm từ 63,7% năm 2016 xuống còn 55,3% GDP năm 2020, được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn an toàn theo quy định; hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công tăng lên… Về xây dựng kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần cần phân tích, đánh giá kỹ bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, trong đó nhu cầu vốn đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới do tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn, đặc biệt là đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thủ tướng lưu ý cần tăng cường quản lý và nâng cao sử dụng hiệu quả nợ công, coi đây là yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Cần kiểm tra, giám sát bảo đảm khả năng trả nợ về tổng thể cũng như hiệu quả của từng dự án cụ thể, bảo đảm uy tín quốc gia; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình sử dụng vốn vay và bố trí nguồn trả nợ. Lưu ý cần đánh giá tác động, ảnh hưởng của các phương án, kịch bản vay và trả nợ cụ thể, đặc biệt là đối với hệ thống kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh