Tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững và hiệu quả
- Tây Y
- 15:06 - 29/10/2021
Cần phải xem bảo hiểm nông nghiệp là một loại hình đặc thù
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, Luật sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đánh giá cao việc xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức triển kinh doanh bảo hiểm vì an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông-lâm-ngư nghiệp…, song đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhìn nhận quy định trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) còn mang tính chất chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách chỉ dừng lại ở mức khuyến khích còn khuyến khích thế nào, tạo điều kiện ra sao lại chưa rõ ràng.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trọng việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Do đó, ông So cảnh báo nếu không có cơ chế, chính sách cụ thể, đủ mạnh, chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không doanh nghiệp nào muốn chọn bảo hiểm nông nghiệp vì nguy cơ thua lỗ cao.
“Đã đến lúc cần phải xem bảo hiểm nông nghiệp là một loại hình đặc thù và xây dựng một chương riêng trong dự thảo về quy định mức phí phù hợp, hỗ trợ một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp; chính sách khuyến khích trong tổ chức, triển khai sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm; quy định cụ thể đối tượng thuộc diện bảo hiểm nông nghiệp…, từ đó tạo cú hích cho doanh nghiệp tham gia sản xuất, đầu tư nông nghiệp,” ông So nêu quan điểm.
Về bảo hiểm vi mô, đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật và cho rằng bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện giúp người nghèo có thói quen tích lũy tài chính.
Đại biểu Đoan tán thành với sự cần thiết các quy định về bảo hiểm vi mô, bởi luật hiện hành không có quy định riêng về loại hình bảo hiểm này mà áp dụng chung với các sản phẩm thương mại thông thường.
Quy định cụ thể, rõ ràng để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên
Liên quan đến nội dung của hợp đồng bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, tại Điều 14 của Dự luật quy định về nội dung của hợp đồng bảo hiểm với nhiều nội dung tương đối đầy đủ. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây: Người được bảo hiểm và người thụ hưởng; đối tượng bảo hiểm; số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm; phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm, điều kiện hoặc điều khoản bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần bổ sung thêm nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng vì đây là những điều khoản quy định về hành vi pháp lý, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng trên thực tế; đảm bảo cơ sở để giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh khi thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, cần rà soát và làm rõ các quy định về nội dung này để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị bổ sung nội dung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
Mặc dù tại dự thảo luật đã quy định cụ thể về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, nhưng trong thực tế vẫn có những trường hợp người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, chưa cặn kẽ.
“Khi xảy ra trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, người mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng. Điều này sẽ khiến người mua bảo hiểm cảm thấy bức xúc, thậm chí cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm lừa, từ đó dẫn tới khiếu nại, tố cáo,” ông Tuấn nói.
Nhằm tăng cường trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng, đại biểu Tuấn kiến nghị cần bổ sung thêm nội dung “trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm” để xác định rõ đây là điều khoản bắt buộc cần phải có trong hoạt động bảo hiểm để tránh việc doanh nghiệp cố tình không cung cấp thông tin hoặc thông tin mập mờ làm cho người mua hợp đồng khi ký hợp đồng thì háo hức, tin tưởng nhưng khi không có khả năng theo đuổi, định chấm dứt hợp đồng mới biết mình không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng, hoặc phí được hoàn trả không được như mong muốn, mất niềm tin với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng cần bổ sung thêm điều khoản về trách nhiệm quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do đây là hoạt động liên quan tới đông đảo tổ chức và cá nhân, qua đó đã và đang huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế đồng thời đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an sinh xã hội.