Tạo điều kiện mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân
- Tây Y
- 15:51 - 05/06/2023
Công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.
Tạo điều kiện mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng; quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng...
Đối với các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan. Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhằm tăng cường tính đại chúng trong hoạt động của TCTD.
Cần nghiên cứu xây dựng luật riêng điều chỉnh loại hình ngân hàng chính sách
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Uỷ ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng
Về ngân sách chính sách, dự thảo Luật cơ bản kế thừa quy định về ngân hàng chính sách tại Luật hiện hành, theo đó, quy định ngân hàng chính sách là loại hình tổ chức tín dụng thuộc phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết. Trong dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng luật riêng điều chỉnh loại hình ngân hàng chính sách
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro. Quy định này có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước. Việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42 đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định.Vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước và các Bộ, ngành liên quan trong luật. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới xây dựng hệ thống thanh tra, giám sát, độc lập và thống nhất đối với thị trường ngân hàng, tài chính, bảo hiểm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ tài chính của các tổ chức tín dụng.