Tạo cú hích cho giáo dục đại học ngoài công lập
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:27 - 07/08/2016
Nhằm góp phần giảm thiểu gánh nặng ngân sách và đưa chất lượng giáo dục ngoài công lập vươn tầm cao mới. Phóng viên báo lao động và xã hội ( Báo online Dân Sinh ) có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Ông Nguyễn Mạnh Hùng Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành xung quanh vấn đề này.
Thưa PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng! Để xây dựng một trường ĐH trọng điểm thì chúng ta cần những tiêu chuẩn như thế nào?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng: Để trở thành trường ĐH trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, điều kiện cần là có sự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo… theo đúng quy chuẩn của Bộ GD&ĐT và tạo sự đồng thuận của xã hội.
Nếu đề án xây dựng trường Đại học Nguyễn Tất Thành thành trường đại học trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Khu công nghệ cao TP.HCM thì trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ là trường đại học ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng theo mô hình trường đại học trọng điểm. Điều này có ảnh hưởng và có tác động tích cực đến các trường đại học ngoài công lập khác trong việc tham gia, xây dựng, phát triển giáo dục theo xu thế mới, đồng thời tạo nên sự đột biến cho chiến lược phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam, góp phần vào xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Mạnh Hùng
Hiện nay, nan giải nhất là sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm. Vậy trường Đại học Nguyễn Tất Thành có những kế hoạch nhằm tháo gỡ tình trạng này không?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng: Nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường xác định và chuyển hướng đào tạo gắn với việc làm, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đã thực hiện vấn đề này. Nhà trường đã thành lập Trung tâm Đào tạo theo Nhu cầu Xã hội nhằm xây dựng các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu, điều tra, khảo sát, gắn kết công tác đào tạo với nhu cầu nhân lực các địa phương…
“Để công tác đào tạo gắn chặt với việc làm, hiện nay nhà trường đã thiết lập mô hình câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp với hơn 300 doanh nghiệp thành viên hoạt động đa lĩnh vực. Các doanh nghiệp này là cánh tay nối dài của Nhà trường, hỗ trợ Trường mở rộng xưởng thực hành, phòng thí nghiệm, giúp SV thực hiện những dự án khởi nghiệp. Song song với CLB Doanh nghiệp, CLB Khởi nghiệp Sáng tạo là CLB Doanh nghiệp khối kinh tế.
Môi trường thực học - thực hành
Xây dựng môi trường thực học - thực hành, gắn kết doanh nghiệp, trước hết thuộc về các bạn SV. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã ký kết hợp tác toàn diện với các cơ sở như: nhà máy sản xuất dược phẩm, trung tâm kiểm nghiệm thuốc, công ty kinh doanh và phân phối thuốc, bệnh viện (Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nguyễn Tri Phương, Chấn thương - Chỉnh hình, 175, Q. Thủ Đức, Q.8…) tại TP.HCM nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho SV được học tập và làm việc trong cộng đồng ngay khi còn trên giảng đường. Nhà trường cũng vừa kí kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cho SV thực tập tại các trang trại, đầu tư phòng thí nghiệm - kiểm nghiệm sản phẩm, đào tạo ngành sữa và thú y và chế biến nông sản sau thu hoạch v.v…
Hiện nay, các trường đang tất bật trong mùa tuyển sinh. Vậy trường Nguyễn Tất Thành đang tiến hành công tác tuyển sinh như thế nào? Và chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2016 là bao nhiêu?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng: Năm học 2016, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh với tổng chỉ tiêu các ngành là 6.300, trong đó đại học có 4.800 chỉ tiêu, cao đẳng 700 chỉ tiêu, đại học liên thông 800 chỉ tiêu. Trường thực hiện đồng thời hai phương thức xét tuyển: Xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia theo tổ hợp môn và xét tuyển học bạ trung học phổ thông cho tất cả các ngành đào tạo trình độ cao đẳng và đại học chính quy.
Công tác tuyển sinh năm 2016, trong quá trình tuyển sinh trường gặp những khó khăn và thuận lợi gì?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng: Thuận lợi: Xét tuyển theo học bạ là một thuận lợi cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Nguồn tuyển này chiếm 50% số lượng thí sinh xét tuyển vào trường.
Việc Bộ GD&ĐT quy định không cho phép thí sinh rút hồ sơ đã tạo thuận lợi cho Trường, giúp Trường ổn định số hồ sơ, dự đoán được khả năng thí sinh trúng tuyển, khắc phục được tình trạng tỉ lệ ảo trong xét tuyển. Việc đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có nhiều phương án đăng ký khác nhau, có thể đăng ký trực tuyến, có thể qua bưu điện, cũng có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Trường. Từ đó, giúp nhà trường tăng nguồn tuyển mà không phụ thuộc khoảng cách địa lý.
Khó khăn: Số lượng thí sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH giảm 20%. Vậy nên, nguồn tuyển sẽ hạn hẹp, dẫn đến việc khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu. Một số trường công lập tuyển sinh chương trình chất lượng cao với mức điểm xét tuyển ngang sàn (15 điểm) nên thí sinh ưu tiên nộp hồ sơ vào trường công lập trước.
Áp dụng phương pháp đào tạo sáng tạo
Điều gì làm nên một Đại học Nguyễn Tất Thành ngày hôm nay?
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng: Đó là đào tạo gắn với việc làm, tuyển sinh gắn với tuyển dụng. Là trường nằm trong doanh nghiệp, trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nằm trong khối Viện, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có những tư duy đột phá trong việc quản lý giáo dục theo cách nhìn của doanh nghiệp. Theo tinh thần của dự án POHE (Professional Oriented Higher Education), nhà trường mời các doanh nghiệp tham gia Thiết kế chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, và phản biện chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, của doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.
Chương trình đào tạo tiên tiến: Chương trình đào tạo luôn được nhà trường cập nhật trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa giáo trình của các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc với tài liệu giảng dạy và giáo trình trong nước. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm giúp sinh viên chủ động hơn trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề. Đặc biệt, nhà trường trang bị kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên và đảm bảo chuẩn đầu ra cho từng ngành học trên cơ sở nghiên cứu những yêu cầu thực tế trong việc làm của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội.
Phương pháp học tập sáng tạo: Người thầy đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn sinh viên tự học một cách chủ động, sáng tạo. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy - học. Chương trình học mô phỏng - quá trình giả lập mô hình của một hệ thống thực, để xác định và hiểu rõ những nhân tố điều khiển hệ thống mà không cần phải thực nghiệm trên hệ thống thực.
Xin cảm ơn ông đã có những chia sẻ này!