THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:15

Tạo cơ sở pháp lý, thuận lợi cho phát triển lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Tạo cơ sở pháp lý, thuận lợi cho phát triển lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lao động - TB&XH Đào Ngọc Dung và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình bên hành lang Quốc hội giữa giờ giải lao phiên thảo luận hội trường (Ảnh: Minh Đức)

Chiều nay 23/10, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Thêm cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo các đại biểu, xét về mặt tổng thể, so với luật hiện hành, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới phù  hợp với yêu cầu thực tế của người lao động, doanh nghiệp với mục đích tạo việc làm, nâng cao tay nghề và thu nhập cho người lao động.

Đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích các bên, đặc biệt là quyền và lợi ích của người lao động, phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế  và xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới.

Tạo cơ sở pháp lý, thuận lợi cho phát triển lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài  - Ảnh 2.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam)

Về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế, các đại biểu tham gia thảo luận, đa số đã lựa chọn phương án 1.

Phương án 1: Quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 của Luật Việc làm) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế.

Đồng thuận với phương án này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) bày tỏ tán thành với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ.

Theo nữ đại biểu đoàn Gia Lai, như vậy người lao động sẽ có thêm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, và không nên hạn chế số lượng doanh nghiệp dịch vụ.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, phương án 1 có tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa tương ứng. Vì theo ông, với phương án này, có thể tạo điều kiện cho người lao động các cơ hội đi làm việc ở nước ngoài nhiều hơn, tốt hơn.

Tạo cơ sở pháp lý, thuận lợi cho phát triển lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài  - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh)

Phân cấp mạnh hơn cho địa phương

Phân tích sâu hơn về lý do vì sao nên lựa chọn phương án 1, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nêu phương án 1 tính thực tiễn cao hơn, vì với quy định theo phương án này đưa ra, đơn vị sự nghiệp là trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh được thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thoả thuận quốc tế.

Điều này, theo đại biểu tỉnh Hà Tĩnh phù hợp với quy định quốc tế mà hôm qua Quốc hội vừa thảo luận xong.

Chúng tôi cho rằng, điều này đã bổ sung một thực tiễn, đưa chính sách, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Thêm nữa, theo ông Sơn, cả nước có hệ thống các Trung tâm giới thiệu việc làm của bộ ngành, và các tỉnh, các Trung tâm này thể hiện được 7 nhiệm vụ mà trong Luật Việc làm quy định.

Tạo cơ sở pháp lý, thuận lợi cho phát triển lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài  - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai)

Đồng thời, đây cũng là nơi tạo nguồn, mà các địa phương đã giao cho để thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, và các đơn vị xuất khẩu được cấp phép tìm kiếm người đi làm việc đều thông qua các Trung tâm để là một kênh tìm kiếm.

Do đó, "thực chất các Trung tâm việc làm này đã thực hiện nhiệm vụ này trong nhiều năm", ông nói.

Còn trước đây, đưa các lao động đi làm việc nước ngoài, vẫn theo quy định của luật này, triển khai bình thường. Chỉ có vấn đề đáp ứng thực tiễn hơn, là ở dự thảo này, đã bổ sung thêm các Trung tâm này được có tư cách pháp nhân để trực tiếp thực hiện việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài- trong thẩm quyền, đó là thực hiện điều ước quốc tế do địa phương thỏa thuận.

Ông đơn cử, như ở địa phương của ông, tỉnh Hà Tĩnh được giao điều ước thỏa thuận này, như trực tiếp ký kết với Đức, Hàn Quốc và một số nước, thì giao đơn vị này trực tiếp làm các điều khoản mà không hề tăng biên chế, cũng như các yếu tố, và người lao động hết sức tin tưởng.

Vì thế, ông cho rằng, đây là thực tiễn, nên cần bổ sung vào quy định. "Do đó, tôi nhất trí phương án 1", ông Sơn nhấn mạnh thêm.

Đồng thuận, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cũng nhất trí cao phương án này, tạo cơ sở pháp lý để các Trung tâm dịch vụ việc làm thực thi điều ước, thỏa thuận quốc tế trong tạo việc làm cho địa phương. Và đáng chú ý, là "không làm phát sinh thêm bộ máy biên chế", nữ đại biểu nhấn mạnh.

Tham gia thảo luận, đa phần các đại biểu thống nhất với quy định bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vì theo các đại biểu, tình hình phát triển lực lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước  ngoài rất cần phải mở rộng đơn vị sự nghiệp công lập, không thể chỉ giới hạn đơn vị sự nghiệp công lập đơn vị trực thuộc Bộ.

Đây là nhu cầu thực tiễn, là phương thức tạo thuận lợi cho sự phát triển lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và phân cấp mạnh hơn cho địa phương.


Thanh Nhung - Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh