Tạo căn cứ pháp lý đủ mạnh để quản lý thị trường
- Tây Y
- 05:04 - 11/12/2015
Trình bày Tờ trình về Dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sau 60 năm ra đời, đến nay, hệ thống cơ quan quản lý thị trường đã được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện với hơn 6.000 công chức, người lao động.
Tuy nhiên đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của quản lý thị trường đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho hiệu quả hoạt động của quản lý thị trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh lực lượng quản lý thị trường cần hoạt động kiểm tra thường xuyên
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thực tiễn hiện nay, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và tham gia ký kết các hiệp định thương mại quốc tế như WTO, AFTA, TPP...
“Trong bối cảnh đó, việc ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường để luật hóa dưới hình thức Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của quản lý thị trường để nâng cao địa vị pháp lý của quản lý thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hợp lý và hiệu quả của hoạt động kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại, công nghiệp nhằm bảo vệ thương mại lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích xã hội là rất cần thiết”, ông Hoàng nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông bày tỏ băn khoăn, một số nội dung trong dự thảo phải hết sức thận trọng như biện pháp đặc biệt nếu giao cho Chính phủ quy định thì sẽ không minh bạch và cũng không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần rà soát các quy định của dự án pháp lệnh để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với các luật, pháp lệnh khác như quy định thanh tra chuyên ngành của Luật Thanh tra, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tránh sự chồng chéo, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tố tụng hình sự...
Liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng QLTT, Ủy ban Kinh tế cho rằng trong điều kiện thị trường phát triển đa dạng, vai trò của quản lý nhà nước cần có sự điều chỉnh cho phù hợp nên các quy định về thanh tra, kiểm tra cần linh hoạt, giảm bớt các thủ tục “cứng nhắc” về hành chính, xử lý kịp thời các phát sinh. “Cần nhấn mạnh hoạt động kiểm tra thường xuyên để đấu tranh phòng, chống các vi phạm đạt hiệu quả, việc thực hiện theo kế hoạch kiểm tra tại dự thảo khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới, tính phức tạp của thực tiễn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Thảo luận về Pháp lệnh Quản lý thị trường, các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, lực lượng quản lý thị trường ra đời đã lâu tuy nhiên hiện nay đang thiếu cơ sở pháp lý để hoạt động. Do đó, cần phải nhanh chóng có Pháp lệnh để nâng cao hiệu quả pháp lý trong lĩnh vực quản lý thị trường.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn các ý kiến của các đại biểu. "Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đề nghị Ban soạn thảo đầu tư thêm cho việc hoàn thiện Pháp lệnh. Nếu nhanh trong tháng này có thể ban hành Pháp lệnh này để tạo thêm cơ sở pháp lý cho lực lượng quản lý thị trường hoạt động còn Luật thì làm sau”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cũng trong chiều 10/12, tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.