Tăng gánh nặng cho người dân nghèo
- Y học 360
- 00:58 - 22/08/2017
Hàng loạt hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng giá
Bộ Tài chính vừa đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế VAT lên chịu thuế VAT, từ mức 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%.
VAT hay thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hiện Bộ Tài chính đang có đề xuất tăng giá VAT, áp dụng từ ngày 1/1/2019. Bộ Tài chính cho biết lý do, ở nhóm đối tượng không chịu thuế VAT (VAT là 0%) như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, chuyển quyền sử dụng đất,... Bộ Tài chính cho biết việc không áp thuế đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất chuyển nhóm này từ không chịu thuế VAT lên chịu thuế VAT.
Thuế VAT tăng, giá các hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng theo.
Ở nhóm hàng hoá, dịch vụ như nước sạch, hoạt động văn hoá, triển lãm, thế dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim... đã được xã hội hoá mạnh mẽ nhưng vẫn chịu VAT là 5% được Bộ Tài chính đánh giá là bất bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu VAT 10%. Bên cạnh đó, việc quy định áp dụng thuế suất 5% đối với những loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích, như: lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học... dẫn đến không thống nhất trong thực hiện.
Từ những lập luận trên, Bộ Tài chính đã đề xuất những hàng hoá, dịch vụ trên chuyển từ mức thuế 5% sang 10%. Mức thuế 5% chỉ áp dụng với máy móc thiết bị sử dụng trong y tế như máy nội soi, máy siêu âm, máy X – quang. Còn đối với mức thuế suất thông thường 10%, Bộ Tài chính nhận định là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Theo đại diện Bộ Tài chính, sở dĩ đề xuất tăng thuế VAT vì kinh nghiệm quốc tế cũng làm như vậy khi nợ công tăng cao. Khi nợ công tăng cao, các nước cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thuế gián thu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt), để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu… Qua đó đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế…
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, VAT là loại thế gián thu, tác động trực tiếp vào giá cả hàng hóa. Nếu nâng mức VAT hiện nay lên 12% sẽ làm cho giá hàng hóa tăng, tác động trực tiếp đến chi phí của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc tăng thuế cũng sẽ tác động đến sức tiêu thụ hàng hóa, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Vì thế, Bộ Tài chính cần cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì nó không thể điều chỉnh theo thu nhập và hỗ trợ người nghèo. Bởi hiện nay một số nước trên thế giới đang hạn chế thuế gián thu, một số nước đang áp dụng VAT ở mức 10% như Việt Nam, cũng có nước chỉ 5-7%. Thậm chí tại nhiều bang tại Mỹ không đánh thuế giá trị gia tăng.
Người dân chỉ còn cách “thắt lưng buộc bụng”
Khi nghe tin thời gian tới thuế VAT sẽ tăng lên, chị Nguyễn Thùy Dung không khỏi lo lắng. Theo tính toán của chị, với mức lương hai vợ chồng hàng tháng là 10 triệu đồng chỉ đủ trang trải sinh hoạt cho 4 thành viên trong gia đình. “Hàng tháng, ngoài khoản tiền thuê nhà, điện nước và tiền học của 2 con cố định hết 5 triệu đồng, tôi còn phải chi phí nhiều khoản phát sinh thêm như: Tiền mua thức ăn, sữa, xăng,… Việc thuế VAT tăng lên chắc chắn chi phí sinh hoạt của cả gia đình tôi sẽ tăng thêm trong khi thu nhập tăng không đáng kể”, chị Dung chia sẻ.
Chị Dung lo lắng việc tăng thuế VAT gia đình chị sẽ bị thiệt hại kép. Bởi hai vợ chồng chị đều là công nhân công ty may mặc, việc tăng thuế VAT các sản phẩm do công ty sản xuất ra sẽ phải tăng giá bởi do giá nguyên liệu tăng và thuế tăng nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng bán ra. Nếu lượng hàng hóa bán ra bị giảm, thu nhập thực tế của vợ chồng chị sẽ bị giảm xuống trong khi chi phí sinh hoạt tăng thêm.
Mớ rau, con cá cũng sẽ tăng giá theo nếu thuế VAT điều chỉnh tăng lên.
Cùng chung lo lắng với chị Dung, chị Đào Thu Hiền (TP Vinh, Nghệ An) nhẩm tính, nếu tất cả các hàng hóa và dịch vụ gia đình tăng thì tổng chi phí sinh hoạt của gia đình hàng tháng bị đội lên một khoản không hề nhỏ. Theo chị Hiền, thuế VAT tăng nghĩa là từng bó rau, con cá cũng tăng, thậm chí cả những đồ dùng thiết yếu trong nhà như gạo, đường, nước mắm, muối, giấy vệ sinh, điện thoại, xăng xe... Do vậy, tâm trạng chung của chị khi nghe tăng thuế là lo giá cả sẽ “té nước theo mưa”. Mọi thứ đều tăng thì lấy gì bù vào? Chắc chỉ có nước thắt lưng buộc bụng mới đủ chi phí trang trải cho cả gia đình. “Hội đồng tiền lương quốc gia vừa chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng là 6,5% trong đó có tính toán đến việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Nếu thuế VAT tăng thêm, liệu Chính phủ có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương lên cho người lao động để đảm bảo mức sống tối thiểu như ý nghĩa của việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm?”, chị Dung đặt ra câu hỏi.
Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập của người giàu. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn, do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng. Khi tăng thuế VAT hàng hoá thiết yếu ngay lập tức tăng theo. Việc tăng giá cả hàng hoá như vậy cũng làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương bình quân tối thiểu năm 2018 vừa mới được thông qua là 6,5%.
Doanh nghiệp lo lắng
Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên không chỉ khiến người dân lo lắng chi phí sinh hoạt sẽ bị đội lên trong bối cảnh thu nhập không được cải thiện đáng kể mà các doanh nghiệp cũng “ngồi trên đống lửa”. Khi giá hàng hóa tăng lên, chắc chắn người dân sẽ phải thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm chi phí, vì thế lượng hàng hóa bán ra của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị giảm sút. Giá cả hàng hóa tăng thì mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp cũng sẽ bị giảm xuống.
Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dược phẩm CVI cho biết, nếu tăng thuế VAT thì các chi phí đầu vào sẽ tăng dẫn đến giá hàng hoá sẽ tăng theo. Về quy luật, VAT đánh vào người tiêu dùng, tức sẽ phải mua hàng hoá với giá đắt đỏ hơn. Song thực tế, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại gián tiếp bởi người dùng họ chỉ nhìn vào giá trên bao bì, thấy giá cao quá thì họ tiết kiệm chi tiêu không mua nữa, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu của công ty. Sau nhiều năm lâm vào khó khăn kinh tế, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang làm ăn rất khó khăn thậm chí là bế tắc. Người dân trong lúc thu nhập chưa tăng luôn có xu hướng tiết kiệm, chi tiêu một đồng cũng phải đắn đo suy nghĩ.
Trước đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần rà soát kỹ, có thể tăng ở một số mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, nước ngọt… Còn những mặt hàng thiết yếu gắn với yếu tố đầu vào của sản xuất mà làm tăng giá thành, thì cần hết sức cân nhắc. Không nên tăng đồng loạt cùng một mức cho tất cả các mặt hàng, nên lọc để có mức tăng, lộ trình và thời điểm tăng thích hợp, tránh sốc cho nền kinh tế và không ảnh hưởng tới nhiều mục tiêu khác như ổn định sản xuất, an sinh và quyền lợi của người dân. Bên cạnh tăng thu ngân sách cũng cần cải cách thủ tục hành chính, bộ máy để giảm chi tiêu thường xuyên còn nếu cứ giữ nguyên thế mà tăng thu ngân sách thì không giải quyết được vấn đề.