THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:12

Tăng thuế môi trường với xăng dầu: Người dân thêm thuế, phí

Đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, thuế môi trường với xăng sẽ là 4.000 đ/lít.

 

Người dân phải "cõng" hơn 50% tiền thuế, phí mỗi lít xăng

Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, từ ngày 1/7/2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.

Cụ thể, xăng: Khung mức thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dầu diesel: Khung mức thuế từ 500-2.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 1.500 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn: Khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 900 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: Khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/kg. Mức thuế hiện hành là 900 đồng/kg. Đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

Trong tờ trình Chính phủ dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính lý giải việc đề xuất tăng thuế xăng dầu như trên là do thuế nhập khẩu giảm mạnh. Hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%.

Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt. Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỉ đồng/năm.

Chia sẻ về nỗi lo xăng dầu tăng giá, anh Nguyễn Văn Tiến – chủ doanh nghiệp vận tải Tiến Phương ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết, doanh nghiệp anh có 5 xe ô tô du lịch 45 chỗ và 7 xe loại từ 16 chỗ trở xuống. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp anh tiêu thụ khoảng gần 20.000 lít xăng, dầu. “Mỗi một lần tăng giá xăng dầu là doanh nghiệp vận tải như chúng tôi gặp khó khăn. Nếu giá xăng tăng mà cước vận tải không tăng thì chúng tôi không có lãi, mà nếu tăng giá thì sức cạnh tranh cũng giảm. Hơn nữa, các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải chịu áp lực từ những chi phí khác như phí bảo trì đường bộ, phí BOT…nên việc tăng phí môi trường lại một lần nữa thêm gánh nặng cho doanh nghiệp”, anh Tiến cho hay.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 1 lít xăng hiện phải chịu 7 loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng, điều đó có nghĩa mỗi lít xăng phải cõng 50% các loại thuế, phí. Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức kịch khung thì xăng tăng giá sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn.

 

Giá cả tiêu dùng sẽ bị tác động do tăng thuế môi trường với xăng dầu.

 

Mớ rau, quả trứng chịu tác động từ giá xăng

 Bình luận về đề xuất tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng, dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Nếu tăng thuế, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kể chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mức sống còn thấp. Vài năm trở lại đây việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam tốt một phần là nhờ giá xăng dầu giảm. Năm nay mục tiêu là lạm phát dưới 4% trong khi tháng 1 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,51%”

Theo ông, để tăng nguồn thu thì cần tìm giải pháp khác, phải cơ cấu cả thu lẫn chi, cần chú trọng giảm chi một cách hợp lý, chứ không chỉ tái cơ cấu thu. Ngay trong tái cơ cấu thu, phải mở rộng đối tượng thu, chống thất thu, chứ không phải tăng thuế bảo vệ môi trường, bởi mặt hàng này đã phải “cõng” nhiều loại thuế, phí, có lúc chiếm đến khoảng 50% giá cấu thành sản phẩm.

 “Theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng giá thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ không khiến mặt bằng giá tăng lên nhiều và không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo (vì họ đã có chính sách an sinh xã hội). Nhưng đây mới là lý thuyết do Bộ Tài chính dự báo và chưa toàn diện các mặt tác động. Cần để thực tế trả lời về hệ lụy của việc tăng giá này”, ông Long cho biết.

Đánh giá về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sẽ khiến phí vận tải tăng lên. “Mớ rau, quả trứng cũng sẽ tăng giá lên. Điều này làm tăng thêm chi phí và người dân phải gánh chịu. Vì vậy, việc tăng giá thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần phải xem xét thận trọng”, ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Bộ Tài chính chịu nhiều sức ép vì thuế nhập khẩu về 0% khiến hụt thu ngân sách cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài Chính chịu trước sức ép lớn, phải tìm kiếm các nguồn thu. Một trong những nguồn thu dễ dàng và có thể thu được ngay là tăng thuế, phí xăng dầu.

“Gọi là thuế môi trường nhưng thực sự không chi cho môi trường. Bộ Tài chính cần giải trình về điều này một cách rõ ràng, chính danh và minh bạch. Nếu dùng danh nghĩa phí môi trường mà không chi cho môi trường thì vấn đề này cần báo cáo Quốc hội vì không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để chi tiêu cho việc khác”, ông Doanh nói.

Đánh giá về đề xuất của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Phúc cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng thuế lúc này là chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm khi người dân còn đang còn e ngại về việc sử dụng các loại xăng mới nên sẽ khiến người dân khó đồng tình. Bên cạnh đó, theo ông Phúc, hiện nay chỉ có một số nước trên thế giới thực hiện việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mà trong đó lại có Việt Nam. 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh