THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:36

Tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Giảm tình trạng chỉ định những kỹ thuật, xét nghiệm không cần thiết

Thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. 

Theo Thông tư 15, tổng cộng có 88 dịch vụ được điều chỉnh về giá, trong đó có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm từ 5% đến 24%, gồm: giá khám bệnh, giá ngày giường và giá các loại xét nghiệm; 9 dịch vụ điều chỉnh tăng khoảng 5%, là giá giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu; đồng thời bổ sung giá của 9 loại dịch vụ kỹ thuật mới.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thời gian qua, phần lớn các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm có sự biến động lớn trong sử dụng chỉ định dịch vụ, nhiều cơ sở y tế đã sử dụng không hợp lý.

Chủ trương của Bộ Y tế là tăng thêm giường bệnh khi quá tải, nhưng trong quá trình thực hiện nhiều nơi đã tăng quá mức vượt hơn 100%, ảnh hưởng đến quỹ BHYT . Vì vậy việc điều chỉnh giá lần này sẽ giảm tình trạng chỉ định những kỹ thuật, xét nghiệm không cần thiết, góp phần cân đối quỹ BHYT  đến năm 2020. 

“Thông tư này còn bổ sung các điều kiện thanh toán BHYT  rõ ràng, kể cả bệnh viện công lập lẫn tư nhân. Thực tế đang có hơn 17 ngàn dịch vụ y tế, vì vậy mà lần sửa đổi này vẫn chưa phải là cuối cùng. Sắp tới Bộ Y tế sẽ chỉnh sửa, thay đổi căn bản hơn. Theo đánh giá thì Thông tư 15 đi vào thực tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh viện”- ông Phạm Lê Tuấn cho biết. 

 

Học sinh là đối tượng được nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT


Mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết, mức giá dịch vụ của Thông tư 15 vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp, chưa kết cấu chi phí quản lý; tiền lương vẫn tính theo mức cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương mới 1.390.000 đồng. So với Thông tư 37, số lượng dịch vụ điều chỉnh tại Thông tư 15 là: Điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật; điều chỉnh 12 dịch vụ; bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa tính giá của khoảng 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để bảo hiểm xã hội thanh toán cho người có thẻ BHYT  theo thực tế sử dụng. 

Đặc biệt, Thông tư 15 đã qui định rõ ràng việc niêm yết giá công khai toàn bộ các dịch vụ đơn vị cung cấp bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng; qui định cụ thể về mức giá khám bệnh; quyết toán tiền ngày giường bệnh hàng quý... 

Ông Nguyễn Nam Liên, lưu ý, để thực hiện tốt Thông tư 15, Bộ Y tế sẽ có kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dấu hiệu “lạm phát” chỉ định. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ định kỳ hoặc đột xuất cung cấp cho Bộ Y tế các địa phương, các cơ sở y tế có các dấu hiệu chỉ định điều trị nội trú, chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết để kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm nếu có.

Các cơ sở y tế có số lượt khám bệnh tăng phải thực hiện ngay các giải pháp như: Tăng số bàn khám, điều tiết tăng nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sĩ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Mặt khác, tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định…

 

Mục tiêu cao nhất là hướng tới BHYT toàn dân


Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn  cho rằng, “Việc thực hiện sẽ có nhiều khó khăn nhưng kinh phí của cả thế giới không nơi nào có dư dả thừa thãi, ở đây cũng phải có biện pháp quản lý. Làm thế nào để chúng ta có biện pháp cân đối kinh phí trong bệnh viện, nhưng mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi chăm sóc tốt nhất cho người sử dụng dịch là người có thẻ BHYT”.

 

60 tỉnh thành chi vượt quỹ BHYT được sử dụng

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 81,59 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT  là 86,9% dân số, trong đó, nhóm tham gia BHYT hộ gia đình gần 15,69 triệu người, tăng 796.000 người so với thời điểm cuối năm 2017. 

Số chi khám chữa BHYT là 47.309 tỷ đồng, chiếm 51,91% dự toán Chính phủ giao (chưa bao gồm số chi của nhóm đối tượng do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân quản lý), tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ sử dụng quỹ 122,57%.

60/63 tỉnh, thành chi vượt quỹ được sử dụng trong kỳ, trong đó có 13 địa phương ước bội chi quỹ trên 200 tỷ đồng gồm Nghệ An (751,981 tỷ đồng); Thanh Hóa (749,185 tỷ đồng); Quảng Nam (486,555.17 tỷ đồng); Thái Bình (350,311 tỷ đồng); Quảng Ninh (341,045 tỷ đồng); Nam Định (338,801 tỷ đồng), Hà Nội (319,123 tỷ đồng)... Chỉ có ba địa phương cân đối được quỹ BHYT  gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh