CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:23

Tăng phí trước bạ xe bán tải - Không đủ nóng để tạo sóng

 

Với mức tăng này, kể từ ngày 10/4 tới đây, phí trước bạ lần đầu của xe bán tải sẽ tăng thêm tối đa 7% giá trị xe, tức là người tiêu dùng sẽ phải nộp thêm 70 triệu đồng nếu mua những mẫu xe có giá bán 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây là loại chi phí được tính trực tiếp tới người tiêu dùng, nên không ảnh hưởng đến giá bán xe từ các đại lí chính thức của các thương hiệu tham gia ở phân khúc bán tải.

 

 

 

Từ ngày 10/4 tới đây, phí trước bạ lần đầu đối với xe bán tải sẽ bằng 60% so với các dòng xe chở người dưới 9 chỗ.

 

 

 

Sau khi có thông tin này, thị trường xe bán tải có sự sôi động được đánh giá là “không thực chất”, khi mà số lượng người tiêu dùng tìm hiểu về dòng xe này tăng lên tại các đại lí, nhưng hầu hết chỉ tham khảo, chưa chốt mua.

Đại diện Mitsubishi Việt Hùng (Hà Đông - Hà Nội) cho biết, lượng người đến tìm hiểu các mẫu xe bán tải Triton tăng hơn so với thường lệ, thậm chí còn cao hơn so với sự quan tâm của các dòng mẫu xe du lịch. Đây là điều khá ngạc nhiên vì thời điểm này thị trường thường “chạm đáy” sau mùa bán hàng năm. Tuy nhiên, số khách hàng này chủ yếu đến tìm hiểu thông tin, chứ không vội vàng đặt cọc mua xe chạy tăng phí.

Tại đại lí Ford Long Biên (Hà Nội), số lượng khách hàng tìm hiểu về các dòng bán tải có tăng, nhưng chủ yếu là những người có nhu cầu thực sự, cần mua xe để kinh doanh, nên tập trung tìm hiểu xe ở mức giá trung bình - các phiên bản Ranger dùng động cơ 2.2L. Với các phiên bản cao cấp - dùng động cơ 2.0L mới và hộp số 10 cấp, nhu cầu vẫn duy trì ở mức vừa phải và không có đột biến.

Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam giờ đây rất chủ động và cân nhắc kỹ trong việc mua xe, bởi bài học "mua xe kèm lạc" vẫn còn nóng hổi từ hồi cuối năm 2018. Không còn chuyện mua xe trên giấy, mà mọi vấn đặt cọc/kí hợp đồng đều chỉ được diễn ra khi đại lí đảm bảo có sẵn xe và được quy định rõ ràng bằng văn bản chặt chẽ, chứ không phải lời hứa suông, không có cam kết.

Người tiêu dùng có thực sự thờ ơ?

Đến ngày 10/4/2019 tới đây, xe bán tải tại Việt Nam sẽ phải chịu mức phí trước bạ lần đầu từ 6 - 9 % (tuỳ từng địa phương), từ lần thứ 2 trở đi là 2% thống nhất trên toàn quốc.
Xe bán tải vẫn có mức phí đăng kí và lấy biển số mới tương tự xe con, riêng Hà Nội là 20 triệu đồng và Tp Hồ Chí Minh là 11 triệu đồng. 
Dòng xe này có niên hạn 25 năm và chịu mức phí bảo trì đường bộ là 130.000đ/tháng (nếu là xe sở hữu cá nhân).

Cho dù Nghị định 20/2019/CP-NĐ mới được ban hành vào ngày 21/2/2019, nhưng trên thực tế, thông tin tăng phí trước bạ đã xôn xao từ khi Bộ Tài Chính soạn thảo các quy định mới này theo yêu cầu từ Chính Phủ. Thông tin này được giới bán xe nắm bắt và "quán triệt" tới khách hàng từ cuối năm ngoái. Do đó, hầu hết các hợp đồng mua xe xuất phát từ nhu cầu thực sự đều đã “chốt” đơn hàng từ năm ngoái.

Mặt khác, người tiêu dùng không hề mặn mà với việc “mua xe chạy phí” vì hầu hết các đơn hàng đặt mua (sau thời điểm ban hành Nghị định ngày 21/2019) đều phải đợi ít nhất hai tháng mới có thể có xe cập cảng bởi toàn bộ phân khúc bán tải tại thị trường Việt Nam đều phải nhập khẩu từ Thái Lan. Chưa kể, thời gian đăng kiểm và làm thủ tục thông quan cũng mất thời gian gần 10 tuần nếu không phải đợi chờ quá lâu (hiện tại ở Việt Nam chỉ có duy nhất một trung tâm kiểm định khí thải cho xe mới đặt tại Hà Nội).

Chính vì vậy, việc tăng phí trước bạ khiến chi phí sở hữu xe bán tải tăng thêm  từ 4 - 7% (giá trị xe) sẽ là một khoản chi phí không nhỏ đối với nhu cầu mua xe của người tiêu dùng.

Cùng với đó,  việc “mua xe chạy thuế” sẽ không còn ý nghĩa do thời điểm nhận xe đã phải áp dụng mức phí trước bạ mới. Chính vì vậy, việc “tranh mua" ở phân khúc xe bán tải là điều đã không xảy ra.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm mà các đại lí sẽ nhân cơ hội đẩy mạnh việc “mua xe kèm lạc”. Tuy nhiên việc này đã không xảy ra, bởi tháng 3 hàng năm là thời điểm doanh số các hãng “chạm đáy”; các đại lí không dám mạo hiểm găm hàng mà đang phải chạy đua bán hàng để đẩy doanh số cho đủ chỉ tiêu với nhà phân phối là các hãng xe.

Các hãng đau đầu nghĩ chiêu bán hàng

Hiện toàn bộ xe bán tải bán ở Việt Nam được nhập khẩu từ Thái Lan, nên các hãng không thể chủ động trong việc sản xuất, bán hàng. Mọi khâu chuẩn bị để có xe bán ra đã phải có kế hoạch trước, từ 4 - 6 tháng để có thể đặt hàng nhà máy (ở Thái Lan), vận chuyển, làm thủ tục đăng kiểm, thông quan rồi mới có thể có xe giao cho khách hàng.

Chi phí sở hữu xe (bán tải) tăng lên sẽ dẫn đến người tiêu dùng do dự và không loại trừ việc chuyển sang lựa chọn mua xe ở các phân khúc khác. Do đó, các hãng buộc phải tìm ra các phương cách bù vào khoản chi phí bị trội lên do chính sách thay đổi.

 

 

 

Dòng xe bán tải được quy định thuộc dòng xe tải trong khu vực ASEAN, nhưng được coi là xe con khi tham gia giao thông tại Việt Nam, được áp mức thuế/phí của dòng xe chở người nhưng lại có niên hạn của xe chở hàng... 

 

 

 

Ông Từ Mạc Lân - đại diện một đại lí Mitsubishi tại Hà Nội cho biết: "Thời điểm này khách hàng không hề vội mua xe (bán tải), bởi của việc chạy phí đã không còn ý nghĩa. Để tìm cách lôi kéo và duy trì nhu cầu của khác hàng, không còn cách nào khác, các hãng sẽ phải lên kế hoạch tung ra các chương trình ưu đãi, tặng quà…, tìm mọi cách bù lại khoản chi phí tăng lên, chỉ có cách đó mới có thể duy trì được doanh số đối với phân khúc này."

Đại diện một hãng phân phối xe bán tải tại Việt Nam cho biết, chưa bao giờ phân khúc xe bán tải lại liên tục gặp khó khăn như hiện nay. Năm 2017 là việc tiến tới áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro4, năm 2018 là quy định mới về nhập khẩu và kiểm định xe va đến năm 2019 này là việc thay đổi phí trước bạ. Vị đại diện này cũng thẳng thắn chia sẻ rằng việc tăng/giảm hay thay đổi chính sách ở mỗi thị trường là điều không thể tránh khỏi, nhưng đối với các hãng, điều cần nhất là việc chính sách phải ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, đủ để hoạch định các kế hoạch sản xuất. Và với đặc thù của thị trường ôtô, rõ ràng việc liên tục thay đổi là điều thực sự đáng sợ, dù hãng xe lớn đến đâu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh