Nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN lên 11 triệu đồng: Lỗi thời so với mặt bằng giá và thu nhập
- Tra cứu phẫu thuật
- 21:42 - 12/03/2020
Ngân sách Nhà nước giảm khoảng 10.300 tỷ đồng/năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Căn cứ quy định của Luật số 26/2012/QH13, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
Hiện có khoảng 7 triệu người thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (cho người nộp thuế từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 lên 4,4 triệu đồng/tháng) sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013.
Theo quy định hiện hành, người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) phải nộp thuế ở mức 120.000 đồng/tháng (0,8% thu nhập) thì theo mức giảm từ gia cảnh mới sẽ không phải nộp thuế. Người có mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) hiện phải nộp 490.000 đồng tiền thuế/tháng (tương đương 2,5% thu nhập) thì theo mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân là 230.000 đồng/tháng (tương ứng 1,2% thu nhập), sẽ giảm hơn 48% số thuế phải nộp so với hiện hành.
Đối với người nộp thuế ở bậc cao, ví dụ người có thu nhập 70 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) đang nộp thuế ở mức 11.370.000 đồng/tháng (16,2% thu nhập), khi chuyển sang thực hiện mức giảm trừ gia cảnh mới, số tiền phải nộp là 10.530.000 đồng/tháng (15% thu nhập), giảm khoảng 7% số thuế phải nộp so với hiện hành.
Như vậy khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới, mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
Đối với ngân sách nhà nước, tăng giảm trừ gia cảnh thêm 2 triệu đồng thì số thuế thu về từ thuế thu nhập cá nhân 1 năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân năm 2019.
Mức chịu thuế chưa phù hợp
Anh Lâm Văn Phòng (quê ở Bắc Giang) là nhân viên một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng cho biết, mỗi tháng tổng thu nhập của anh ở mức 10 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế thu nhập. "Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng nhanh từ thực phẩm, tiền điện, nước và tiền thuê nhà khiến tổng thu nhập của 2 vợ chồng tôi là 14 triệu đồng/tháng với mức chi tiêu tằn tiện mỗi tháng cũng chỉ để ra được 1-2 triệu đồng. Vì vậy đã 5 năm ở trong căn nhà đi thuê, chúng tôi vẫn chưa có tiền để mua nhà".
Theo anh Phòng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người theo Luật Thuế hiện hành lên mức 4,4 triệu đồng cũng là lỗi thời so với so với mặt bằng giá và thu nhập hiện nay. Anh tính toán, kể cả khi các con học trường công, học phí là hơn 1 triệu đồng/tháng; cộng với chi phí ăn ở, đi lại, sức khỏe… thì mức chi phí 4,4 triệu đồng/tháng là không đủ.
Chị Lê Ngọc Hân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, ngưỡng đóng thuế phải 15 triệu đồng trở lên mới phù hợp. Đồng thời cần giãn khoảng cách thu nhập đóng thuế so với hiện tại. "Nếu lúc trước cứ 5 triệu lại tăng lên một mức đóng thuế mới thì nay nên giãn ra, khoảng từ 7 - 9 triệu đồng cho mỗi mức. Bởi bây giờ mức lương dưới 30 triệu không được xem là người có thu nhập cao nữa", chị Hân nhận định.
Đánh giá về ngưỡng tăng thuế thu nhập cá nhân do Bộ Tài chính đề xuất, TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhận định, GDP bình quân đầu người trong hơn 6 năm qua đã gia tăng mạnh cho thấy, đời sống và mức chi tiêu của người dân cũng tăng lên.
Mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cần phải tăng tương ứng vì nếu không lại khiến người dân nghèo hơn. Đó là chưa kể nhiều nước đang hướng đến nền kinh tế chi tiêu để tạo động lực phát triển thì Việt Nam cũng nên đi theo hướng này. Theo ông Chí, chính sách cần khuyến khích người dân chi tiêu hoặc tái đầu tư vào giáo dục, nâng cao dân trí để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động quốc gia.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân tích, cách Bộ Tài chính làm là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23% để ra con số 11 triệu đồng. Đây là cách tính đơn giản không phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.
Ông Bảo cho rằng, Bộ Tài chính đang lấy căn cứ để tính thuế thu nhập cá nhân theo kiểu: "Giả sử bữa cơm của 1 gia đình 4 người vào năm 2017 có trị giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng. Nghĩa là thành phần, số lượng và chất lượng bữa ăn không có gì thay đổi. Với cách tiếp cận vấn đề như vậy thì 10 năm sau, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn dẫm chân tại chỗ, không thêm được "tí rau tí thịt".
Do đó, theo ông Bảo, nếu muốn tính cho gọn thì phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì đây là "ngưỡng thu nhập chịu thuế" nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập, chứ không được đánh tráo khái niệm bằng "tốc độ tăng CPI". Nếu tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013 - 2019, để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 thì mức tăng trưởng thu nhập tích luỹ là hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu (9 triệu đồng nhân 155%). Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu đồng/người (3,6 triệu nhân 155%). Nghĩa là một người có thu nhập bình quân 1 tháng là 20 triệu đồng, phải nuôi thêm 1 người phụ thuộc thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Nhưng theo ông Bảo, tốt nhất, ngưỡng thu nhập chịu thuế cũng phải được điều chỉnh hàng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống.