THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:03

Tăng lương cho giáo viên sẽ thu hút được người tài?

 

Mức lương không đủ sống và trang trải sinh hoạt, nhiều giáo viên đã phải nghĩ tới tăng thu nhập bằng cách dạy thêm, dạy “sô” ở nhiều trường học hay làm thêm các công việc khác. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới việc tự trau dồi, bổ sung kiến thức để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Tính theo thang bậc lương hiện nay, một giáo viên mới ra trường có lương khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Giáo viên giảng dạy 15 năm trong nghề mới có thu nhập hơn 5,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên có thâm niên hơn 25 năm trong nghề (tức là sắp về hưu) thì lương được hơn 8 triệu đồng/tháng.

 

 

Tăng lương cho giáo viên sẽ thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm (ảnh minh họa).

Vấn đề đáng bàn thêm là chất lượng giảng dạy của giáo viên không chỉ phụ thuộc lớn vào tiền lương mà còn dựa vào nguồn tuyển sinh “đầu vào”. Nếu nguồn tuyển sinh vào các trường sư phạm tốt thì chắc chắn chúng ta có đội ngũ giáo viên giỏi.

Năm học 1996-1997 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra quy chế miễn học phí đối với học sinh thi tuyển vào các trường sư phạm. Sự khuyến khích đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi ĐH, CĐ. Sự cạnh tranh để được vào các trường sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, nếu thí sinh nào muốn vào khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội thì phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi.

Thời kỳ “hoàng kim” của các trường sư phạm chỉ kéo dài cho đến năm 2010 nhưng đến nay, số lượng học sinh giỏi thi vào các trường này không nhiều. Nhiều trường phải lấy điểm chuẩn “đầu vào” giảm đến 10 điểm.

ĐH Sư phạm Hà Nội II là một trong những cơ sở đào tạo đội ngũ giáo viên uy tín cho cả nước trong tương lai. Nếu như những năm 1997-1998, điểm chuẩn “đầu vào” của trường này phải từ 28 đến 29 điểm. Thế nhưng, trong những năm gần đây, điểm chuẩn vào trường có khoa chỉ còn 18-20 điểm.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội II đánh giá, điểm chuẩn “đầu vào” như trên chỉ ở mức trung bình, thấp hơn nhiều so với trước năm 2010.

Câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” dường như đang là sự cân nhắc đổi với những ai đang có ý định thi tuyển vào các trường sư phạm. Bởi lẽ theo thống kê của nhiều trường sư phạm, hiện nay, hàng năm, trung bình có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm. Nếu có xin được việc thì mức lương của họ còn thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống.

Ưu tiên sinh viên sư phạm như các trường quân đội, công an

Cơ sở vật chất trường học có tốt đến mấy, sách giáo khoa có hay và hấp dẫn đến đâu cũng không thể quyết định chất lượng giáo dục đào tạo. Yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong cuộc đổi mới chất lượng giáo dục chính là chúng ta có được đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, yêu nghề và tận tâm với học trò.

Muốn có được đội ngũ giáo viên giỏi thì phải có được nguồn tuyển “đầu vào” tốt. Tuy nhiên, với việc học sinh giỏi không thích chọn ngành sư phạm để học tập sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai và mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải làm gì để thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm?

Trăn trở này đã được đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) kiến nghị: Qua nhiều năm tuyển sinh, chúng ta thấy hầu hết các bạn học sinh khá, giỏi đều chọn vào các trường công an, quân đội, trường y. Còn riêng đối với các trường sư phạm tuyển sinh rất khó và tuyển sinh đầu vào rất thấp. Quốc hội và Chính phủ khóa sau tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những chính sách mới mang tính chất đột phá, ưu tiên, ưu đãi cho sinh viên các chuyên ngành sư phạm.

Từng là cán bộ chấm thi cho thí sinh dự thi vào các trường lực lượng vũ trang, ông Nguyễn Văn Tuyến, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội II cho biết, đa phần thí sinh thi vào các trường này đều là học sinh giỏi, điểm 3 môn thi rất cao (từ 27-30 điểm). Tuy nhiên, số học sinh thi vào các trường sư phạm hiện nay không đạt được điểm cao như vậy (chỉ đạt từ 18-25 điểm) tùy theo chuyên ngành.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, nếu như những năm 1996-1997, Chính phủ cho miễn học phí đối với sinh viên trường sư phạm đã thu hút một lượng lớn học sinh giỏi thi tuyển. Lứa sinh viên tốt nghiệp ở khóa học này đều có trình độ và kỹ năng tốt.

Tuy nhiên, hiện nay, đời sống của người dân ngày một phát triển hơn, việc lo cho con có được vài trăm nghìn đóng tiền học là hoàn toàn có thể làm được.

Đến thời điểm hiện nay, việc miễn học phí không còn là động lực lớn để thu hút sinh viên vào các trường sư phạm nữa mà cần có giải pháp “mạnh hơn” như: sinh viên học sư phạm được miễn học phí, cấp học bổng, được ở trọ miễn phí và khi tốt nghiệp được phân bổ công việc ngay giống như sinh viên các trường công an và quân đội.

Đồng với quan điểm trên, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên cán bộ nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu ý kiến: Đất nước muốn đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có những thầy cô giáo giỏi. Vì vậy, chúng ta phải có chính sách thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm.

Đề xuất sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp được ưu tiên, tạo điều kiện làm việc và  mức lương, phụ cấp như sinh viên các trường quân đội, công an là hoàn toàn có cơ sở. Giải pháp này chắc chắn sẽ làm thay đổi diện mạo đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh