THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:15

Tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài 7 ngày theo hình thức khoá tu im lặng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thắp hương ở chánh điện chùa Từ Hiếu ngày 30/10.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thắp hương ở chánh điện chùa Từ Hiếu ngày 30/10.

Ngày 22/1, tăng đoàn Làng Mai phát đi thông báo về dự kiến chương trình tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Theo đó, dự kiến lễ nhập kim quan thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được diễn ra vào lúc 8h sáng ngày 23/1 (21/12 âm lịch) và Lễ Trà Tỳ vào lúc 7h ngày 29/1 (27/12 âm lịch).

Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, người dân đến thăm viếng cùng thực tập tâm niệm cúng dường để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.

Sau Lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung,  huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ngài là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em, cha là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ.

Năm 1942, ngài xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Tháng 9/1945, ngài thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân. Năm 1947, ngài theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế.

Năm 1949, ngài rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. Đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.

Tháng 10/1951, ngài thọ Giới Lớn tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn với Hòa thượng Đường đầu Thích Đôn Hậu.

Năm 1954 ngài được Tổng hội Phật giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục, làm Giám học Phật học Đường Nam Việt.

Năm 1955, ngài làm chủ bút nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1957, ngài thành lập Phương Bối Am, Bảo Lộc. Từ năm 1961 - 1963, tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Mỹ; sáng tác đoản văn “Bông hồng cài áo”.

Năm 1964, ngài được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện hóa đạo.

P,V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh