CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:50

Tăng học phí thi bằng lái xe lên 30 triệu đồng là không có cơ sở

Ngày 8/10/2019, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT "Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ".

Sau khi Thông tư 38 được ban hành, các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin như việc học và thi sát hạch lái ô tô sẽ khó hơn rất nhiều, học phí sẽ tăng gấp 2-3 lần, lên đến 30 triệu đồng, số lượng câu hỏi tăng… những thay đổi này là do Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017, có hiệu lực từ ngày 1/5.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT "Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ GTVT không có mục nào quy định việc tăng học phí thi bằng lái xe ô tô 2020.

Tăng học phí thi bằng lái xe lên 30 triệu đồng là không có cơ sở - Ảnh 1.

Tăng học phí thi bằng lái xe lên 30 triệu đồng là không có cơ sở (ảnh mh)

Ngày 25/2, trao đổi với PV, ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho biết, thông tin tăng phí thi bằng lái ô tô năm 2020 lên 30 triệu đồng là không đúng.

"Những thông tin có thể là do một số người nhận hồ sơ thi GPLX đưa ra nhằm mục đích lôi kéo người dân, chứ theo quy định của Bộ GTVT không có quy định nào về việc tăng mức phí lên đến 30 triệu đồng"- ông Thống nói.

Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và người lái cũng khẳng định, qua khảo sát của Vụ, hiện không có trung tâm nào tăng mức phí giấy phép lái xe. Khái quát những thay đổi trong việc học và thi sát hạch GPLX, ông Thống thông tin: "Trong năm 2020 chỉ có thay đổi bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết, lắp thiết bị giám sát thời gian học pháp luật giao thông đường bộ chứ không có thêm những thay đổi nào khác.

Trong bộ 600 câu hỏi thì có 60 câu hỏi liệt. Người dân nên tìm đọc các thông tin chính thức từ cơ quan chức năng để tránh mất tiền cho các đối tượng xấu".

Bên cạnh đó, việc quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT. Học phí sát hạch GPLX hiện do các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới xây dựng và quyết định dựa trên nhiều yếu tố như cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, định mức về tiêu hao nhiên liệu, chế độ chi tiêu tài chính...

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số cơ sở đào tạo lái xe cơ giới trên địa bàn Hà Nội, hiện nay những cơ sở này vẫn đang nhận hồ sơ đăng ký của học viên, tuy nhiên mức phí đang được "tạm thu" khoảng 11 triệu đồng/hồ sơ để chờ thông báo quy định chính thức về mức học phí, đến khi nhập học thì có thể thu thêm hoặc ít hơn.

Theo Thông tư 38, từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Học viên sẽ được giám sát việc học lý thuyết bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để đảm bảo học viên được học đầy đủ thời gian đào tạo. Nếu không tham gia đầy đủ, học viên sẽ không được dự thi sát hạch.

Thông tư cũng quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên. Ngoài việc đảm bảo thời gian học của học viên, việc giám sát này còn tránh được tình trạng học hộ, thi hộ.

Thông tư 38 có nhiều điểm mới theo hướng thay đổi phương thức đào tạo và sát hạch. Đáng chú ý nhất là việc bổ sung 2 môn học: Xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên ca-bin. Quá trình học trên ca-bin sẽ mô phỏng lại các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên phần mềm, học viên sẽ được xử lý tình huống để có kỹ năng tránh tai nạn đáng tiếc. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi tập lái trên đường.

Phương thức thi sát hạch cũng có thay đổi. Trước đây, học viên phải trải qua 3 nội dung sát hạch là: Lý thuyết, trên sa hình và trên đường. Theo Thông tư 38, trình tự thi sát hạch mới sẽ là: Lý thuyết, mô phỏng, trên sa hình, trên đường.

Như vậy, môn xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng đóng vai trò quan trọng trong việc thi sát hạch. Nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng, học viên sẽ không được sát hạch trên ô tô. Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ ngày 1/1/2021 và nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng là từ ngày 1/5/2021.

Với mục đích nâng cao chất lượng giấy phép lái xe, số lượng câu hỏi lý thuyết trong bộ đề tăng từ 450 câu lên 600 câu. Trong đó có 100 câu điểm liệt, chỉ cần trả lời sai một câu hỏi thì học viên sẽ bị trượt. Mỗi đề vẫn có 30 câu, người thi trả lời sai 5 câu là bị trượt.

Việc công nhận kết quả sát hạch đối với người dự sát hạch lái xe hạng A1, A2, A3 và A4 cũng rất nghiêm ngặt. Theo đó thí sinh đạt nội dung sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe trong hình thì được công nhận trúng tuyển. Nếu không đạt nội dung sát hạch lý thuyết thì không được dự nội dung sát hạch thực hành lái xe trong hình.

Trường hợp đạt nội dung sát hạch lý thuyết nhưng không đạt nội dung sát hạch thực hành lái xe trong hình thì được bảo lưu kết quả trong thời gian 1 năm kể từ ngày đạt kết quả sát hạch. Nếu muốn dự sát hạch phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi, giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng theo quy định và phải có tên trong biên bản xác nhận vắng, trượt của Hội đồng sát hạch hoặc Tổ sát hạch kỳ trước…


NGUYỄN MINH - CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh