THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:19

Tăng giá điện: Khó cho nhiều ngành...

Xăng đã tăng giá

Giá điện chính thức công bố sẽ tăng 7,5% từ ngày 16/3. Trong đó, dự kiến, giá điện bán lẻ cho sinh hoạt có thể tăng thấp hơn 7,5 ở 2 bậc thang đầu, nhưng với các bậc thang sau đó, mức giá cao nhất dự kiến sẽ lên tới hơn 2.579 đồng/kWh. Sau thông tin tăng giá điện, hàng loạt doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp đã lên tiếng than rằng, mức tăng quá cao.

Đại diện của Cty Thép Việt đã khẳng định, tiền điện sản xuất thép trong 1 năm tại Cty ước sẽ lên tới 795 tỷ đồng, tức tăng thêm 55 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành xi măng, ngành nhựa đều lo lắng về khoản chi phí tăng thêm khổng lồ do mức tiêu thụ điện ở các ngành này đều rất cao, trên dưới 100 kWh/tấn, chiếm 5% trong giá thành sản xuất. Nếu trước đây, sản xuất 1 tấn thép mất hơn 143.000 đồng thì tới đây, sẽ mất khoảng 160.000 đồng.

Đáng chú ý, liên bộ Công Thương - Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp xăng dầu được tăng giá bán lẻ kể từ 15 giờ chiều 11/3, mức tăng cao nhất tới 1.616 đồng/lít đối với xăng.

Theo đó, giá xăng A92 sẽ có mức giá bán trần là 17.286 đồng/lít, tăng 1.616 đồng/lít so với hiện nay. Giá dầu diezen sẽ có mức giá là 15.883 đồng/lít, tăng tới 713 đồng/lít. Dầu hoả cũng sẽ tăng mức tương tự 713 đồng/lít, lên mức giá mới không quá 16.323 đồng/lít. Dầu madut tăng 911 đồng/kg, với mức giá mới không quá 12.761 đồng/kg. Xăng E5 cũng được điều chỉnh tăng lên với mức giá mới là 16.956 đồng/lít.

Tăng giá điện: Khó cho nhiều ngành...

Theo các doanh nghiệp xăng dầu, hết hết các mức giá trần trên sẽ được tính làm tròn theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Giá bán xăng, dầu diezen, dầu hoả và madut sẽ lần lượt được chốt các mức giá là 17.280 đồng/lít, 15.880 đồng/lít, 16320 đồng/lít và 12.760 đồng/kg. Đồng thời, để bù đắp chênh lệch âm còn lại, liên Bộ cũng cho phép các doanh nghiệp tiếp tục xả Quỹ bình ổn nhưng giảm mức xả xuống.

Cụ thể, mặt hàng xăng giảm sử dụng Quỹ từ 2.448 đồng/lít hiện nay xuống 1.852 đồng/lít. Dầu diezen giảm mức sử dụng Quỹ từ 1.350 đồng/lít xuống 888 đồng/lít. Với dầu hoả, mức bù từ Quỹ hiện là 1.693 đồng/lít sẽ giảm xuống 837 đồng/lít. Madut cũng phải điều chỉnh từ mức xả Quỹ 2.015 đồng/kg xuống 927 đồng/kg.

Nguyên nhân là bởi, giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày qua tính từ 24/2 đến hết 10/3 đã tăng khá. Trước viễn cảnh giá điện, giá xăng leo thang, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định sẽ phải tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.

Người nghèo lãnh đủ!

 Khi nhận được thông tin tăng giá điện và nhiều mặt hàng khác đang “ngóng” nhau để cùng tăng giá, không ít người thu nhập thấp “ngồi trên đống lửa”. Với những người lao động ngoại tỉnh lên thành phố thuê trọ kiếm việc làm thì khó khăn với họ còn tăng lên gấp bội. Chị Nguyễn Thị Dung (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà  Nội) than vãn: “Hiện nay, chủ nhà trọ đang thu giá điện là 5.000 đồng/kWh.

Tăng giá điện: Khó cho nhiều ngành...“Ăn theo” giá điện và xăng, người tiêu dùng lo ngại giá các mặt hàng cũng tăng theo.

Khi có thông báo giá điện sẽ tăng thêm 7,5% từ 16/3, ngay lập tức chúng tôi đã nhận được đơn giá mới là 5.500 đồng/kWh vào tháng 3 và có thể là 6.000 đồng/kWh vào tháng 4. Sau khi điện tăng giá, giá xăng cũng đã tăng, thì một mặt bằng giá cả hàng hóa mới sẽ hình thành theo xu hướng đi lên, chỉ những người lao động nghèo như chúng tôi là lãnh đủ”.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, tỉ lệ tổn thất điện năng của EVN ở mức trên 8% là khá lớn. Tuy giảm tổn thất điện năng không bù đắp được nhiều trong mức tăng giá điện nhưng tiết kiệm được chừng nào hay chừng ấy và cần phấn đấu giảm thấp hơn nữa. Thực tế rất nan giải khi đến nay, tỉ lệ tổn thất vẫn cao hơn 0,15% kế hoạch đề ra.

Tổn thất trên lưới điện truyền tải cũng cao hơn 0,3% so với chỉ tiêu, phải mất 2% điện mới tạo được 1% GDP.

Cũng theo ông Ngãi, để siết chặt tiết kiệm trong ngành điện thì mấu chốt là cần đồng bộ hóa nhiều giải pháp, trong đó có giảm tổn thất điện năng và tiết giảm các chi phí khác.

Đặc biệt, phải tiết giảm giá thành và tiết giảm chi phí, trong đó khoản đầu tư xây dựng cơ bản rất lãng phí, đồng thời tinh giản bộ máy sao cho gọn nhẹ nhằm nâng cao năng suất lao động. Cần thực hiện cơ chế bán buôn điện để một số ngành “ngốn” điện năng lớn như thép, xi măng, hóa chất... hạn chế sử dụng điện lãng phí. Để giảm áp lực lên ngành điện, cũng phải yêu cầu các ngành này đổi mới công nghệ triệt để.

Liên quan đến quyết định tăng giá điện 7,5% của EVN, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng “lần tăng giá này là vô lý”. Từ trước đến nay, giá điện luôn theo xu hướng một chiều: Có tăng nhưng rất khó giảm. Thời điểm này, tất cả các tài nguyên trong nước đều còn nhiều: Nước không thiếu, xăng dầu trước lần điều chỉnh... bất đắc dĩ vào chiều 11/3, giảm giá hơn một năm qua... như vậy, không thể nói rằng chi phí sản xuất của ngành điện tăng lên.

Tăng giá điện lại phụ thuộc vào các yếu tố như chi phí nhân công, sản xuất thì có vẻ hơi lạ. Hơn nữa, theo TS Nguyễn Minh Phong, các con số lỗ từ EVN là không rõ ràng, vì vậy việc tăng giá điện 7,5% lần này là cách làm của “ông độc quyền”.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho hay, khi giá điện tăng 7,5% thì CPI vòng sẽ tăng 0,26%. Nhưng đó là vòng chịu tác động trực tiếp, giá điện tăng sẽ còn tác động mạnh hơn tới vòng 2, là vòng gián tiếp ảnh hưởng tới giá cả hàng hoá sản phẩm dịch vụ.

Mức tác động này sẽ lớn hơn 0,26%. Dự kiến, tổng mức ảnh hưởng cả năm của giá điện vào CPI sẽ là khoảng 0,46%, đây là mức tác động khá mạnh.

Khánh Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh