THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:47

Tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong kiểm toán

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc.


Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Công văn số 219-CV/BCĐTW ngày 17/6/2019 về việc: Rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; Công điện hỏa tốc số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Để tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm trong thực thi công vụ và tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN):

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với các Đoàn Kiểm toán, Tổ Kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực kiểm toán, như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm toán thuế… trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; lựa chọn bố trí cán bộ, công chức, Kiểm toán viên có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí kiểm toán, nhất là đối với các Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán.

Rà soát, đánh giá và báo cáo kịp thời Ban cán sự Đảng KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức, Kiểm toán viên không đủ phẩm chất đạo đức, có dấu hiệu hoặc có dư luận về tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi, phục vụ động cơ cá nhân, hoặc bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán… để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kiên quyết đưa ra khỏi Ngành những cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật.

Thanh tra KTNN, Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong toàn Ngành rà soát, tham mưu kịp thời Tổng Kiểm toán nhà nước các quy trình, quy chế hoạt động các Đoàn kiểm toán, Đoàn thanh tra nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để sơ hở tạo điều kiện thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình hoạt động của KTNN.

Tiếp tục quán triệt và yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các Công điện, Chỉ thị và Chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước trong mọi hoạt động của đơn vị, nhất là hoạt động kiểm toán. Trong đó, tập trung quán triệt Công điện 407/CĐ-KTNN ngày 04/4/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; Chỉ thị số 151/CT-KTNN ngày 31/01/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2019; Chỉ thị số 412/CT-KTNN ngày 06/3/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong việc quản lý, lãnh đạo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành KTNN; Công điện số 1213/CĐ-KTNN ngày 28/8/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; Công điện số 1043/CĐ-KTNN ngày 03/8/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện tác phong, đạo đức nghề nghiệp và quy chế tổ chức, hoạt động của Đoàn KTNN.

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo ngay Tổng Kiểm toán nhà nước và lập thủ tục chuyển cho cơ quan điều tra, không được có hành vi che giấu vi phạm. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý. Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán có trách nhiệm quản lý hoạt động kiểm toán của Kiểm toán viên, nếu xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh