THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:03

Tăng cường hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về lao động và xã hội

Tại buổi tiếp, bà Anna Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã dành thời gian tiếp Đoàn; đánh giá cao mối quan hệ hợp tác  giữa Việt Nam và Thụy Điển nói chung và trong lĩnh vực lao động, việc làm nói riêng. Việt Nam và Thụy Điển đã có gần 50 năm hợp tác phát triển với Việt Nam.

Hiện khoảng 70 doanh nghiệp Thụy Điển đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó có những doanh nghiệp lớn như: Ericson, ABB… tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm cho lao động Việt Nam.

Các doanh nghiệp này đều áp dụng các mô hình về xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa được áp dụng tại Thụy Điển. Việc duy trì và tạo ra môi trường làm việc tốt cũng là tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động. Các doanh nghiệp này cũng chia sẻ các giải pháp công nghệ tối ưu, qua đó giúp Việt Nam nâng thứ hạng trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Thời gian qua dù bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam vẫn bảo đảm môi trường làm việc tốt và không sa thải nhân viên.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Anna Mawe đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là hợp tác về lao động – xã hội

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Anna Mawe đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là hợp tác về lao động – xã hội

Trong thực hiện Hiệp định EVFTA, Thụy Điển đánh giá cao Việt Nam đã đưa những nội dung về lao động theo Công ước của ILO vào xây dựng pháp luật lao động, đặc biệt là Bộ luật Lao động và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong cải thiện quan hệ lao động, đối thoại xã hội.

Thụy Điển có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, quan hệ ba bên.

Hiện Thụy Điển có hai chương trình do Chính phủ nước này tài trợ và do UNDP thực hiện. Đó là chương trình Kinh doanh có trách nhiệm (Responsible bussiness). Trong chương trình này, Thụy Điển sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm (đang được Bộ Tư pháp Việt Nam dự thảo và Bộ LĐ-TB&XH là một trong những Bộ rất tích cực trong việc tham gia, góp ý xây dựng kế hoạch này). Bà Đại sứ cũng hy vọng năm 2022, Chương trình sẽ được thông qua.

Chương trình thứ hai là Doanh nghiệp Thụy Điển tại nơi làm việc, tập trung vào đối thoại xã hội tại nơi làm việc do Cơ quan hợp tác quốc tế của Thụy Điển tại Việt Nam (tiền thân là tổ chức SIDA) phối hợp với các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam và tổ chức công đoàn của nước này xây dựng. Đây là chương trình phù hợp với Việt Nam hiện nay.

Bà Đại sứ cũng đề xuất đồng tổ chức hội thảo giữa hai bên đầu tháng 12/2021 về “Cách đối thoại xã hội đóng góp vào phát triển doanh nghiệp bền vững”; đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều hơn nữa, nhất là trong các vấn đề về quan hệ lao động, an toàn lao động và bình đẳng giới.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã chào mừng bà Anna Mawe đến thăm và làm việc tại Bộ LĐ-TB&XH. Thứ trưởng khẳng định mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Thụy Điển đã phát triển tốt đẹp trong hơn 50 năm qua. Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy hàng đầu của Việt Nam trong EU; kim ngạch thương mại của hai nước liên tục tăng và đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2018. Sau khi có Hiệp định EVFTA, kim ngạch giữa Việt Nam và EU nói chung và Thụy Điển nói riêng luôn tăng đều. Hiện khoảng 70 doanh nghiệp Thụy Điển đã đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 364 triệu USD.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã chào mừng bà Anna Mawe đến thăm và làm việc tại Bộ LĐ-TB&XH

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã chào mừng bà Anna Mawe đến thăm và làm việc tại Bộ LĐ-TB&XH

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao việc Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết EVFTA và tác động để Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định quan trọng này, góp phần thúc đẩy kim ngạch giữa Việt Nam và EU nói chung và Thụy Điển nói riêng. Đối với Hiệp định bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA),

Thứ trưởng mong muốn Thụy Điển cùng với nước EU khác xúc tiến để Nghị viện các nước sớm thông qua nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai bên; Việt Nam - Thụy Điển đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực cùng quan tâm như: Bảo đảm quyền của người lao động thông qua các Công ước của ILO, triển khai Bộ luật Lao động và thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, đối thoại lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm tại nơi làm việc, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cùng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cùng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng hoan nghênh Thụy Điển hỗ trợ Việt Nam Chương trình Kinh doanh có trách nhiệm. Việt Nam đã xây dựng các cơ chế, chính sách và luôn khuyến khích việc đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động ngày càng bình đẳng hơn và bảo đảm quyền lợi của người lao động. Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam cũng cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện tại doanh nghiệp, trên cơ sở đó tiến hành thương lượng tập thể giữa hai bên. Hiện cơ chế ba bên giữa tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan Chính phủ đã được duy trì và bảo vệ quyền lợi của các bên trong đối thoại.

Thứ trưởng cũng chia sẻ thông tin, ngày 9/12 sẽ có Diễn đàn Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, trong đó sẽ tôn vinh những doanh nghiệp hàng đầu trong bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, thực hiện tốt quan hệ lao động hài hòa.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đánh giá cao Chương trình Doanh nghiệp Thụy Điển tại nơi làm việc, trong đó có việc tăng cường đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; đồng thời bày tỏ mong muốn học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp Thụy Điển trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tăng cường đối thoại tại nơi làm việc.

Ngoài ra, Thứ trưởng mong hai bên tăng cường hợp tác về bình đẳng giới bởi Thụy Điển là một trong những nước đi đầu về lĩnh vực này, mong được phía bạn chia sẻ về luật pháp, chính sách, mô hình, nâng cao năng lực về giới, lồng ghép giới; thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; bên cạnh đó là hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm hỗ trợ bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng đồng tình và đánh giá cao đề xuất đồng tổ chức hội thảo “Cách đối thoại xã hội đóng góp vào phát triển doanh nghiệp bền vững”; đồng thời giao cho các cơ quan liên quan của Bộ phối hợp với phía Thụy Điển trong việc xây dựng nội dung chương trình và cách thức tổ chức hội nghị cho phù hợp.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh