THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:56

Tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương

 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý ngoại thương

 

Trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, trong suốt quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 1995, Việt Nam đã liên tục cải thiện chính sách, công cụ pháp luật để thực hiện quản lý ngoại thương phù hợp với điều kiện hội nhập. Hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả hơn, song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; những bất cập của hệ thống pháp luật ngoại thương hiện hành và những yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về ngoại thương bao gồm:  sự trùng lắp, chồng chéo với các luật khác; sự minh bạch chưa cao; tính ổn định, dự báo còn thấp.

Do đó, việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết.

Thẩm tra về dự án Luật này, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, chỉ quy định công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương hàng hóa. Có ý kiến cho rằng Luật quản lý ngoại thương là đạo luật chủ đạo trong quản lý ngoại thương, phạm vi điều chỉnh cần bao quát toàn diện hoạt động ngoại thương đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Một số ý kiến đề nghị xem xét quy định những dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ với đặc thù là cung cấp qua biên giới và tiêu dùng ngoài lãnh thổ, hiện đang được điều chỉnh ở các pháp luật chuyên ngành và theo kinh nghiệm quốc tế, pháp luật về quản lý ngoại thương của nhiều nước cũng chỉ quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật

 

Bên cạnh đó những hình thức dịch vụ thương mại có chức năng cung cấp dịch vụ cho hoạt động mua bán, phân phối, lưu chuyển hàng hóa trong nước và ngoại thương như các dịch vụ logistic, giám định, quá cảnh... đã được quy định trong Luật thương mại năm 2005, do đó, Ủy ban Kinh tế tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương tại Dự thảo Luật.

Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, tiếp thu quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ trì, phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tránh tình trạng quản lý không thống nhất, chồng chéo, thiếu đầu mối, phối hợp chưa tốt, trách nhiệm không rõ ràng.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vì việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến lĩnh vực của các bộ, ngành khác nhau. Có ý kiến tán thành với dự án Luật, quy định Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan để đáp ứng yêu cầu về thời điểm, cơ chế, quy trình trong việc ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và quy định cho tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa sau khi đã tạm ngừng.

Ủy ban Kinh tế tán thành giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời quy định rõ nguyên tắc, các trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và có sự phân biệt với các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Dự thảo Luật Quản lý Ngoại thương dự kiến bao gồm 8 chương, 115 điều, cụ thể như sau: Những quy định chung; các biện pháp hành chính; các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp phòng vệ thương mại; kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về ngoại thương; điều khoản thi hành.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh