THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:17

Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới

Gia tăng bạo lực gia đình trong đại dịch

Bạo lực gia đình tăng lên và nghiêm trọng hơn trong đại dịch Covid-19 là thông tin được nhiều tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực xác nhận. Theo số liệu thống kê của trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trong tháng 4/2020 (thời gian giãn cách xã hội), tổng đài ứng phó bạo lực trên cơ sở giới của Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận gần 350 cuộc gọi của những người cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019; công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương để tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho các trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40%.

Nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Số liệu đau lòng này tiếp tục tăng trong năm nay: 6 tháng đầu năm 2021, tổng đài đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi (tăng khoảng 140% so với năm 2020), 83% trong số các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình. Nếu tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ tỉnh khu vực miền Nam.

Tại Hà Nội, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người). Ngôi nhà Bình yên tại Cần Thơ hỗ trợ 12 người tạm trú tăng 266% so với năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020, chỉ tiếp nhận mới 3 người tạm trú). Môt mô hình cung cấp các dịch vụ thiết yếu, tích hợp hỗ trợ người bị bạo lực giới lần đầu tiên tại Việt Nam đang được triển khai hiệu quả và sẽ được nhân rộng trên cả nước.

Tư vấn viên Tuyết Anh đến từ Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết: Từ đầu 2020 đến hết tháng 7/2021 CSAGA đã hỗ trợ 3.487 cuộc tư vấn qua điện thoại và chat, trong đó số cuộc gọi tập trung nhiều nhất vào nhóm những phụ nữ bị bạo lực gia đình, nhóm này đều đặn ở các vùng nông thôn, thành thị.

Hơn 10 triệu lượt người được tiếp cận với kiến thức về bạo lực trên giới

Trước vấn đề này cần làm gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam”. Đây là dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái và thay đổi thái độ, hành vi đối với bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, Dự án này thiết lập mô hình cung cấp các dịch vụ thiết yếu, tích hợp hỗ trợ người bị bạo lực giới lần đầu tiên tại Việt Nam.

Sau gần 4 năm thực hiện (2017-2021), hơn 10 triệu lượt người được tiếp cận với kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là kiến thức về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc tổ chức 3 chiến dịch truyền thông toàn quốc hàng năm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ 15/11-15/12 hằng năm). Các hoạt động truyền thông tập trung vào các khu công nghiệp góp phần thúc đẩy văn hóa nói không với quấy rối tình dục tại môi trường làm việc. Bên cạnh việc hỗ trợ khẩn cấp, đảm bảo quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, các hoạt động của mô hình cũng đã hướng tới việc kết nối, hỗ trợ an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài trong tương lai cho các nhóm đối tượng yếu thế.

Nhân viên Tổng đài tư vấn của Ngôi nhà  Ánh Dương trực 24/24

Nhân viên Tổng đài tư vấn của Ngôi nhà Ánh Dương trực 24/24

Đặt biệt, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, chỉ sau hơn một năm, mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới tại tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 300 phụ nữ và trẻ em. Gần 500 cán bộ trực tiếp cung cấp dịch vụ cho người bị bạo lực giới đã được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Tổng đài đường dây nóng 18001769 hoạt động miễn phí 24/7 đã tiếp nhận trung bình hơn 1.000 cuộc gọi hàng tháng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo tổng kết dự án, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng ưu tiên và có hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong bởi COVID-19,... điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại”.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do KOICA tài trợ cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, sự tham gia tổ chức, phối hợp thực hiện giữa Bộ LĐ-TB&XH với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan, tổ chức liên quan đã mang lại những kết quả tích cực, cụ thể. “Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao các kết quả của dự án, đây thực sự là một điểm sáng trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và là căn cứ thực tiễn quan trọng trong việc xây dựng chính sách về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” – Thứ trưởng khẳng định.

Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Naomi Kithara khẳng định những cam kết và ủng hộ của UNFPA nhằm góp phần vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái được sống cuộc sống không có bạo lực, từ đó hoàn thành chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh