THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:33

Tăng cường bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam tại Lào

 

Tới dự hội nghị, về phía Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam có Thứ trưởng Đào Hồng Lan; Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh. Về phía Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào có: Vụ trưởng Vụ Kế hoạch hợp tác YangKu Yangluxay; Cục trưởng Cục Quản lý lao động PhongXay sack Inthailath; Cục trưởng Cục Phát triển Kỹ năng nghề Phuvanh Chanhthavong cùng các cơ quan liên quan.

Tăng cường thông tin chính sách mới tại Lào tới doanh nghiệp và NLĐ Việt Nam

Hợp tác giữa Việt Nam và Lào nói chung, giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào nói riêng đã ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực gồm: lao động, việc làm, dạy nghề, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xóa đói giảm nghèo, công tác đào tạo cán bộ, công tác đối với thương binh liệt sĩ và người có công... Trong giai đoạn vừa qua, hợp tác giữa hai Bộ được thực hiện thường xuyên thông qua việc cụ thể hóa và thực hiện các văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Hiệp định hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký năm 2013 đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa hai Bộ. Hiệp định mới đã điều chỉnh được các hình thức lao động phù hợp với tình hình thực tế, quy định cụ thể về thủ tục xin cấp giấy phép lao động, đăng ký lưu trú, các loại phí liên quan, chế độ bảo hiểm, y tế, xử lý tranh chấp...  đảm bảo được yêu cầu quản lý và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Có thể nói, Hiệp định là cơ sở pháp lý cho hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở Lào và tiếp nhận lao động Lào vào làm việc tại Việt Nam.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định: “Trong bối cảnh luật pháp của hai nước có nhiều quy định mới liên quan đến việc quản lý lao động nước ngoài, đặc biệt, vừa qua, Chính phủ Lào đã ra Chỉ thị 62/TTg về Tăng cường quản lý lao động nước ngoài tại Lào và Thông tư hướng dẫn số 0429/BCT ngày 3/3/2016 của Bộ Công thương Lào, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị này nhằm mục đích tiếp tục phổ biến nội dung Hiệp định; thông tin về các chính sách mới của Lào đến các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, chính quyền địa phương các tỉnh có đường biên giới với Lào; đồng thời lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý NLĐ Việt Nam tại Lào. Đây là một việc làm hết sức cần thiết để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ Việt Nam làm việc tại Lào”.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng mong muốn Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam sẽ tiếp tục cùng nhau hợp tác chặt chẽ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong công tác quản lý lao động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đầu tư và làm việc tại Lào.

Tiếp tục trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến NLĐ

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển kinh tế của Lào và mối quan hệ hợp tác toàn diện của hai nước, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở Lào ngày càng tăng về số lượng và đa dạng về hình thức như: Lao động đi làm việc tại các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư, thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại như các công trình xây dựng thủy điện, cầu đường tại Lào. Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1994 đến năm 2015, đã có 266 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy phép đầu tư tại Lào. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 13.500 lao động Việt Nam làm việc tại Lào. Lao động đi làm việc theo các hợp đồng cung ứng nhân lực giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam và các nhà thầu công trình nước ngoài tại Lào hoặc chủ sử dụng lao động của Lào. Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào theo hình thức này không nhiều. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, chỉ có một doanh nghiệp đưa 50 lao động đi làm việc tại công trình thủy điện tại Lào từ năm 2011, đến nay số lao động này đều đã về nước. Ngoài ra, cón có số công dân Việt Nam sang làm việc tự do tại Lào theo tính chất mùa vụ, làm kinh doanh, buôn bán nhỏ tại Lào.

 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan và các đại biểu Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tại Hội nghị

 

Nhìn chung, sự có mặt của lao động Việt Nam tại Lào đã giúp giải quyết một phần nhu cầu thiếu lao động, nhất là trong các lĩnh vực: năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ bản, lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến và lĩnh vực dịch vụ... Các dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần phát triển kinh tế xã hội Lào, cải thiện đời sống nhân dân địa phương; đồng thời thông qua giao lưu trong lao động, đã góp phần tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Tuy nhiên, việc lao động Việt Nam sang lao động tự do tại Lào cũng gây ra một số khó khăn cho Chính phủ hai Bên.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết thêm, thời gian qua, chính quyền các cấp của 2 bên đã thực hiện các giải pháp linh hoạt trong việc quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Lào. Các địa phương Lào đã linh hoạt vận dụng cơ chế chính sách, có nhiều biện pháp hỗ trợ, ưu tiên trong việc quản lý đối với người lao động Việt Nam như cho phép các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động làm thủ tục tại cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh và những người có chuyên môn hoặc nhận thầu công trình đựợc tạo điều kiện đăng ký tại Sở lao động. Nhiều địa phương Lào có nhiều biện pháp hợp lý linh hoạt trong việc quản lý đối với những người lao động ngắn hạn. Với các giải pháp đó, đã quản lý được đại đa số người lao động, giảm các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào cũng gặp phải một số vấn đề như: Theo quy định của Lào, tỷ lệ lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc trong các dự án đầu tư tại Lào, Campuchia không quá 10% trên tổng số lao động của dự án, đối với lao động kỹ thuật tỷ lệ này là 20%. Vì lao động tại chỗ không đủ về số lượng và tay nghề để cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam có công trình, dự án tại Lào nên việc khống chế tỷ lệ này gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, lao động nước ngoài vào lao động tại Lào phải chịu mức phí lưu trú và lệ phí cấp giấy phép lao động tương đối cao gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào trình bày quy trình, thủ tục để lao động Việt Nam xin giấy phép làm việc tại Lào; Các quy định mới của Lào liên quan đến lao động nước ngoài vào làm việc tại Lào. Đặc biệt, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc tại Lào, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề xuất một số giải pháp như: Các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, đầu tư, thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại tại Lào cần thực hiện việc báo cáo Bộ LĐ-TBXH về việc đưa lao động đi làm việc tại Lào chậm nhất là 20 ngày trước ngày đưa lao động đi. Bên cạnh đó, các cấp quản lý lao động hai bên, nhất là các địa phương tiếp giáp đường biên giới, tiếp tục tổ chức gặp gỡ thường xuyên để trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong việc tiếp nhận và sử dụng lao động Việt Nam tại Lào.

Đồng thời, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tiếp tục vận dụng chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam làm việc tại Lào, trong đó có việc cung cấp thủ tục pháp lý đầy đủ. Tăng cường hoạt động phối hợp rà soát, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng hai nước. Ngoài ra tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp dịch vụ lao động của hai nước. Đặc biệt, hai Bộ cùng trao đổi, cung cấp cho nhau thông tin về nhu cầu lao động, các quy định về việc quản lý lao động nước ngoài của mỗi nước và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định để kịp thời điều chỉnh.

PHẠM TRUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh