THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:38

Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trên cầu Chương Dương

Ngay từ khi cơ quan chức năng cho phép ô-tô lưu thông tại làn cầu dành cho xe máy, những bất cập đã xảy ra. Làn xe máy vốn đã chật hẹp, nay ô-tô, nhất là xe buýt được phép lưu thông khiến việc di chuyển bằng xe máy gần những chiếc ô-tô hết sức nguy hiểm. Cùng với đó, những chiếc xe ba bánh chở hàng cồng kềnh thường xuyên đi lại ở làn này. Nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra. Chưa kể lan-can làn cầu xe máy được hàn bằng sắt gắn với bệ bê-tông, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. Vụ xe ô-tô đâm vào thành cầu rồi rơi xuống sông Hồng khiến người xe bị thiệt mạng tối 3-11 là hậu quả được báo trước khi cho phép ô-tô lưu thông tại làn cầu này.

Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét lại việc kết nối giao thông khu vực đô thị hai bờ sông Hồng. Bởi nó có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đô thị nói riêng, kết nối giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh nói chung. Hiện tại, không chỉ cầu Chương Dương mà cầu Vĩnh Tuy cũng bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Trong khi đó, cầu Thanh Trì lại kết nối vùng ven đô, còn cầu Long Biên chỉ còn đóng "vai phụ" khi cả tuổi đời lẫn kích cỡ cầu không cho phép ô-tô lưu thông. Bởi vậy, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Tứ Liên, hầm chui qua sông Hồng như quy hoạch đã đề ra. Những công trình này khi hoàn thành sẽ góp phần giải tỏa áp lực cho cầu Chương Dương, không chỉ ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc xảy ra, mà còn giúp cho việc đi lại thuận tiện.

Về ngắn hạn, việc cho phép ô-tô di chuyển tại làn cầu dành cho xe máy là biện pháp bất đắc dĩ. Hiện nay, thành phố đang cấm xe ta-xi và các ô-tô cỡ lớn lưu thông qua cầu Chương Dương vào giờ cao điểm, biện pháp này cần tiếp tục được mở rộng đối với một số loại ô-tô khác. Giảm tình trạng quá tải cho cầu Chương Dương còn có ý nghĩa quan trọng với việc bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông cũng như tuổi thọ của cây cầu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh