Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
- Y học 360
- 12:14 - 29/06/2023
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đã có những kết quả đáng khích lệ.
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm không ngừng nâng cao, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đã được các cấp, ngành nói chung và Bộ Y tế nói riêng quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế; bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao. Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu ng quả cao…
Về phía Bộ Y tế, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Bộ Y tế đã tổ chức kế hoạch tuyên truyền, triển khai thực hiện.
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.
Đặc biệt, bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Dù vậy, thực tế triển khai cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc.
Hiện nay, mô hình quản lý an toàn thực phẩm không thống nhất, đa phần địa phương có Chi cục ATVSTP, 3 tỉnh thành có Ban Quản lý An toàn thực phẩm, cũng có tỉnh thì cơ quan quản lý an toàn thực phẩm là một phòng thuộc Sở Y tế…
Ông Phong nhấn mạnh, ngoài các công tác chuyên môn như: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông… Chỉ thị của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất quan trọng là phải xây dựng được một cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.
Quán triệt triển khai Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và hướng dẫn số 82 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17, thời gian tới sẽ xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy này. Bộ Y tế sẽ cùng với các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ Ban Bí thư, Chính phủ giao.
Theo đó, mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành (TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh). Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025.
Hiện mô hình tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm vẫn chưa được hình thành, chưa rõ tên gọi, việc này Bộ Nội vụ sẽ đề xuất. Tuy nhiên, cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm sẽ phải tập trung đủ cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương.