THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:52

Tìm phòng trọ giá rẻ qua Facebook, Google: Tân sinh viên nên cảnh giác


Thuê phòng trên mạng xã hội (Facebook, Google): Chỉ nên tham khảo

Đối với các tân sinh viên, nỗi lo lớn nhất sau khi hoàn thành xong thủ tục nhập học chính là tìm được chỗ ở để bắt đầu ổn định cuộc sống sinh viên xa nhà. Dù dư dả hay eo hẹp về tài chính, phần lớn các tân sinh viên đều có nhu cầu tìm được phòng trọ giá rẻ để bớt đi chi phí sinh hoạt trong 3-4 năm sống trong môi trường xa lạ, vật giá đắt đỏ.

Danh sách địa chỉ phòng cho thuê trên các trang mạng xã hội rất nhiều nhưng không phải cứ lên mạng xã hội là các tân sinh viên có thể tìm được phòng trọ ưng ý với tiêu chí rẻ - an toàn - tiện lợi.

 

Việc tìm ra các thông tin về thuê phòng trọ cho sinh viên trên Facebook rất dễ.


Trong hơn 6 triệu kết quả với nội dung cho thuê phòng trọ giá sinh viên trên Google và hàng trăm nhóm, fanpage trên Facebook liên quan đến từ khoá “thuê phòng trọ” thì có đến 90% là do các chủ nhà trọ, môi giới đăng thông tin. Do đó, các tân sinh viên cần phải biết chọn lọc để không dính vào những môi giới lừa đảo.

Để kiểm tra xem lời quảng cáo có đó có phải là thật hay là lừa đảo, tân sinh viên có thể dùng những cách sau:

Thứ nhất, các bạn nên để ý tới thời gian đăng bài quảng cáo cho thuê phòng trọ, tần suất đăng có liên tục hay không, trong bài đăng có ảnh không hay chỉ có những thông tin mơ hồ mô tả… Nếu người đăng không đưa ảnh chụp phòng thì các bạn nên cân nhắc không nên thuê phòng này.

Thứ hai, để xác định là trung gian hay chủ nhà, các bạn chỉ cần search số điện thoại liên hệ đó ngay trên google, nếu là trung gian thì các bạn sẽ thấy ngay đủ mọi loại tin liên quan số điện thoại đó như tuyển sinh, bán nhà, bán đất...

Qua các nhà môi giới cũng là một lựa chọn, tuy nhiên nếu mức phí 30, 40 hay 50% tiền tháng đầu, hay bắt bạn đóng phí mai quay lại nhận phòng, đóng phí đặt trước khi nào có sẽ thông báo... thì bạn nên đặt ngay dấu hỏi vì đó 98% là "lừa đảo.

Ngoài “cò” phòng trọ, nhiều tân sinh viên dễ gặp phải khi tìm phòng trọ qua mạng xã hội đó là tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội một kiểu, trong khi thực tế thì lại khác xa. Để có thể câu kéo được khách thuê phòng, các chủ trọ, môi giới đưa lên mang xã hội lời quảng cáo “ngọt xớt” cùng với những bức ảnh về phòng đẹp long lanh trong khi giá lại rẻ giật mình.

Vì vậy, nhiều sinh viên chỉ nhìn vào lời quảng cáo này mà đến tận nơi để xem và thuê phòng với hi vọng sẽ nhanh chóng thuê được trước những người khác. Nhưng khi đến nơi thấy phòng khác hẳn với ảnh trên mạng thì ngỡ ngàng, thất vọng và lại tiếp tục “công cuộc” tìm phòng trọ.

 Tân sinh viên nên đi cùng người nhà khi tìm phòng trọ

Theo em Nguyễn Thị Thanh Xuân, sinh viên năm thứ 2 Học viện Báo chí & Tuyên truyền, vấn đề tìm nhà trọ là vấn đề đầu tiên mà tân sinh viên quan tâm khi đỗ đại học.

 

Việc tìm phòng trọ qua mạng không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng, nhất là với tân sinh viên. Ảnh minh hoạ.

Xuân khuyên, khi đi tìm nhà trọ thì các em tân sinh viên nên nhờ các anh chị khoá trên, người quen từng học tập xa nhà tư vấn. Khi đi tìm nhà trọ thì nên đi với người nhà như bố mẹ, anh chị hoặc bạn bè. Các em cần tìm hiểu kỹ về giá cả, địa điểm sao cho phù hợp với kinh tế gia đình cũng như là hợp lý nhất để học tập. Cần phải hỏi kỹ về giá phòng, phí sinh hoạt, cần làm hợp đồng để tránh tiền mất tật mang.

Khi thuê dài hạn có phải đặt cọc tiền nhà hay trả đủ theo kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần? Nếu trường hợp chuyển đi chỗ khác trong thời gian đó thì có được hoàn lại tiền đặt cọc hay không? Giá tiền phòng, điện nước có cam kết giữ ổn định hay mỗi tháng tính một nấc tiền khác nhau thì không hề ổn...

"Ngoài ra, các em có thể truy cập vào những trang tình nguyện của trường, hay hội đồng hương để nhờ giúp đỡ. Bản thân mình năm ngoái cũng đã phải đi tìm nhà trọ. Từ lúc biết đỗ đại học đã khá lo lắng về việc này vì nhà ở xa Hà Nội lại không có người quen nhiều.

Mình có theo dõi trên mạng xã hội và biết đến một địa chỉ cho thuê trọ với giá 1 triệu đồng/ tháng nên lúc ấy rất mừng. Mình đã đóng trước 500.000 để giữ phòng. Tuy nhiên khi xuống nhập học thì phòng lại không như nhìn thấy qua ảnh trên mạng. Khu ở không an toàn, điều kiện thì không đảm bảo. Sau đó, rất may mắn mình đã được một chị khoá trước trong trường giúp đỡ và cho ở cùng đến bây giờ", Tâm cho hay.

Chị Nguyễn Thị Huệ - một nhân viên văn phòng đang công tác tại Hà Nội cho biết, khi đi tìm thì phải tới tận nơi để xem. Nếu phù hợp với mình mà giá cả phải chăng thì hỏi ngày có thể chuyển đến. Sau đó, các em nên xin số điện thoại của chủ trọ để liên lạc cho chủ động.

 

TS. Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội: Quan trọng nhất là đảm bảo an ninh, giá cả hợp lý

Nếu ở trọ trong kí túc xá (KTX) của trường vẫn lợi hơn ở ngoài. Tuy nhiên, nếu các em không đăng ký ở trong KTX mà phải thuê trọ bên ngoài thì cũng có một số lưu ý quan trọng. Đó là, phải đảm bảo thông tin về địa chỉ của các em sinh viên thuê trọ gồm tên ngõ, tổ dân phố nào, phố gì, chủ nhà trọ là ai, số điện thoại (hoặc số CMND) của chủ nhà... Nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền và Công an cấp phường sở tại để nắm bắt thông tin nếu có vấn đề gì sẽ xử lý luôn, đảm bảo sự an toàn cho sinh viên của mình.

Đôi khi các em tìm hiểu trên mạng thấy nơi này nơi kia quảng cáo phòng trọ đẹp giá rẻ, điều kiện an ninh tốt nhưng sự thật lúc tới nơi lại không hoàn toàn như vậy. Khi đi tìm nhà trọ các em cần phải tìm hiểu kĩ về điều kiện an ninh, giá cả điện nước, giá phòng ra sao.

Nếu quyết định thuê thì nhất thiết phải có bản cam kết hoặc hợp đồng để ít nhiều mang tính ràng buộc giữa các em với chủ nhà trọ, tránh tiền mất tật mang.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh