THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:31

Tản mạn tuổi thân điều ước cho loài khỉ

Năm Bính Thân nhắc tôi - sinh năm Canh Thân - về tuổi đời 36. Thân là con Khỉ đứng thứ 9 trong số 12 con giáp trong Thập Nhị Địa Chi. 12 con này tương ứng Thiên Can (Thập Can): Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý phối hợp Âm Dương và Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ vận hành nên Trời Đất, vũ trụ này. Có 12 chi (Địa chi, Thập nhị chi) tương ứng 12 từ chỉ 12 con vật của Hoàng Đạo Trung Hoa dùng để chỉ phương hướng, mùa, ngày tháng năm, giờ. Mỗi canh giờ (2 tiếng) đều tương ứng một con vật theo hệ thống trên. Các yếu tố liên kết này liên quan mật thiết đến đời sống con người ngàn năm nay ở Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) và Đông Nam Á (nhất là Việt Nam).

Dân gian cho rằng: Tuổi Thân lại đứng chữ Canh vất vả bội phần. Vậy tuổi nào là sướng trong cõi nhân gian này? Phương Tây văn minh yêu quý động vật thì không tính tuổi theo con Giáp, trừ ai thích tìm hiểu về phương Đông có thể tự tính hoặc liên tưởng tuổi mình tương ứng năm sinh. Phương Đông, một số nơi thờ vật, còn đa số thì ăn tất, không chỉ gia súc, gia cầm đã thành thực phẩm ngàn năm nay. Tính ra, trừ mỗi con Rồng biết bay và không có thật là thoát, còn con nào cũng bị làm thịt, chế biến, sử dụng với nhiều mục đích công năng khác nhau. “Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân/Đẻ vào giờ Dần thì sướng như tiên”. Tôi không đẻ giờ Dần, sinh ra cuối Xuân. Xuân, mùa mở đầu, tôi nhóm máu A, hay dấn thân làm việc khó. Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn 10 năm trước, khi minh hoạ tập “Đồng tử” cho tôi năm 2005 có nói: “Linh làm thơ như bị giời đày. Một thi sĩ đích thực thế này thì không điều gì có thể khiến ngừng thơ, bỏ thơ được”. Hành trình cuộc đời dành cho nghệ thuật là ý nguyện của ông nội tôi, đặt hy vọng vào đứa cháu cả, cháu đầu lòng. Cuộc sống đủ loại áp lực, tham vọng, bon chen, giành đoạt... ngổn ngang khiến chất thơ mất, vắng. Song ngay bây giờ sắp chạm năm tuổi, tôi càng hiểu chính chất thơ, cách nhìn đời bằng con mắt thơ khiến tôi cảm nhận sâu sắc hơn về thế giới. Nơi thế giới hiện thực này có rất nhiều thế giới hữu hình và vô hình. Mỗi sự vật, sinh vật, mỗi loại hình nghệ thuật, mỗi khoa học, lĩnh vực và mỗi con người đều là một thế giới.

Tranh sơn mài Mông Cổ Voi - Khỉ - Thỏ - Chim.  Ảnh: Phùng Huyền Phương

Bằng con mắt thơ, tôi trở về thời gian 35 năm trước bên ông nội, hoạ sĩ Vi Kiến Minh (1926 - 1981). Người ta cứ nói, tương lai là những gì sắp đến, sẽ đến, chưa xảy ra; qua thấu kính của triết học, nhân sinh, tôi cho rằng: Tương lai khởi động từ quá khứ, thậm chí có thể tái lặp hiện tượng, cảnh huống đã xảy ra nhờ niềm mong mỏi. Tin thế, dù tôi phải chống lại Heraclius không tắm trên dòng sông hoài niệm lần hai mà tắm chiêm bao về thời ấu nhi biết bao lần. Tôi đang cầm trên tay một kỷ vật của ông nội để lại, báu vật của gia đình. Bức tranh bằng gỗ sơn mài mà ông mang về từ Mông Cổ. Sinh thời ông tôi đã từ chối làm lãnh đạo Vụ Mỹ thuật, nhường nhà được phân cho người khác. Khí chất Trùng Khánh trong ông nửa đời ở Hà Nội chưa một lần phai khác, không bao giờ tham lam, luồn cúi, mưu toan. Ông muốn sống là một hoạ sĩ chân chính. Phổi yếu từ trẻ, gian nan của hai cuộc chiến tranh mà ông là chiến sĩ cách mạng cùng những biến cố gia đình đã khiến ông tôi suốt đời là một hàn sĩ thiếu thốn nhưng rất thanh cao. Ông luôn nhận thua thiệt về mình, kể cả tiêu chuẩn khám chữa bệnh, không được dùng đồ bổ, thuốc tốt vì mọi chế độ đều theo bậc lương mà sự khí khái đã làm ông bị kẻ hẹp hòi tiểu nhân trù dập thời kỳ công tác ở Thái Nguyên khiến ba, bốn kỳ tăng bậc lương đều bị bỏ qua.

Cuối đời, là chuyên viên bậc cao, Chủ nhiệm NXB Văn hóa Dân tộc, ông vẫn đi làm từ Cầu Giấy lên NXB ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng bằng xe đạp cũ, lốp buộc chằng chịt. Hoạ phẩm thiếu, ông chỉ vẽ được tranh nhỏ, vừa làm quản lý, vừa giảng dạy, hoạ sĩ, cán bộ lãnh đạo liêm khiết thời bao cấp như ông chỉ biết dồn hết tiền nuôi bốn con ăn học, còn mình ăn cơm trong chiếc nồi bé xíu và tranh thủ lúc nấu cơm để tự vá áo quần khi bà nội tôi ở TP. Thái Nguyên chưa chuyển được về Hà Nội đoàn tụ. Ông tôi, người trí thức đầu đàn của Việt Bắc đã dành tâm hồn và nhân cách đẹp đẽ của mình cho nghề nghiệp, cho con. Ông đặt tên cho các con và cháu đầu tiên của mình.

Ca dao có câu: “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/Tôi đây ngậm ngùi vì đứng tuổi Thân”. Có một số dị bản ở câu thứ hai, song câu nào cũng có từ “ngậm ngùi”. Việc gì phải ngậm ngùi. Hoạ - Phúc, cười, khóc, khổ đau hay hoan lạc của cuộc đời này, một kiếp sống ai mà chẳng từng trải qua, nên nếm trải. Tôi tự hào mang tuổi Thân. Khỉ là loài vật thuộc bộ linh trưởng, được coi là thông minh, nhanh nhẹn nhất trong các con vật. Khi đặt tên cho tôi, chắc hẳn ông nội còn muốn nhắc đến cội nguồn. Linh là một trong những từ hiếm không bị biến âm khi phát âm ở mọi nơi trên thế giới, kể cả với tiếng Trung Quốc phổ thông lẫn tiếng Quảng Tây vốn là ngôn ngữ khó học. Tiếng Tày Nùng, “tu lình” là con khỉ. Ông đặt tên cháu nội vừa là nhắc đến con giáp, vừa gửi gắm kỳ vọng.

Ở Paris, có vòng bánh xe thời gian thẳng cổng Khải Hoàn Môn được trang hoàng ánh sáng rực rỡ cùng đại lộ Champs Élysées... đẹp nhất thế giới mà ba lần đến Pháp tôi đều khấn mời ông nội cùng đi. Tôi ngưỡng vọng thế giới linh hồn. Ông nội tôi chưa từng được đến Pháp, dù thông thạo tiếng Pháp và yêu chuộng văn hoá Pháp. Trong cảnh mờ chồng của trí tưởng, vòng bánh xe Paris đón chào năm mới cùng quay bánh xe đạp của ông tôi, vòng quay diệu kỳ. Quay về tháng 4/1980, ông nội tôi đạp xe đến căn phòng tập thể bé tí của con trai trưởng, cho biết tên ông đặt cho cháu gái đầu lòng là Vi Thuỳ Linh. Ông thương nhất là cô ruột tôi, cô Vi Bạch Yến, con gái duy nhất của ông bà tôi. Sự văn minh của ông là hiếm, khi những người cùng thời và đến lớp người bây giờ vẫn còn tư tưởng phân biệt, trọng nam khinh nữ. Ông bảo con gái ở với mình ít hơn con trai, phải theo chồng sống cuộc đời khác mà sướng khổ không đoán trước, nên phải thương nhiều hơn. Bởi tư tưởng ấy và sự kỳ vọng vào tôi, ông đã ghi vào gia phả ngày giờ sinh, tên tôi với dòng chữ: Cháu đích tôn. Tài sản tinh thần ông để lại: Tranh, cuốn sổ ghi chép, ảnh và kỷ vật. Sinh ra và lớn lên ở miền núi cao, quen mùa Đông gió núi tai mèo buốt lạnh, mà cơ thể gầy yếu của ông tôi đã không chịu được cái lạnh thảo nguyên Mông Cổ. Chuyến đi xa, chuyến xuất ngoại cuối cùng của hoạ sĩ Vi Kiến Minh mùa Đông 1981 trở về, ông tôi từ trần. Ký hoạ thiếu nữ Ulan Bator bằng phấn màu vẫn còn sống động, người con gái mắt một mí ấy thành không tuổi. Cùng mấy mặt nạ đất nung to bằng bàn tay, kỷ vật ông tôi thích nhất trong chuyến đi này là tranh sơn mài với bốn con vật đáng yêu trên nền thảo nguyên xanh, xa xa dãy núi có cây cổ thụ trĩu quả đỏ. Mỗi tán cây có chùm ba quả, mây bay trên trời, mây là là thung lũng, mây ôm ấp núi xanh. Con voi hiền lành đôi ngà hướng phía trước, mắt cười, vòi vòng vào trong đang nâng một trái đỏ. Trên lưng voi, con khỉ bộ dạng như người, tay trái cầm quả chín đỏ, tay phải đỡ chân trước con thỏ đang hướng miệng về chùm quả chín mà chân sau của thỏ trên đầu khỉ. Trên lưng thỏ, chim ưng đang tung cánh, mỏ cũng hướng vào trái đỏ. Tranh mang sinh lực thiên nhiên - loài vật ấy cũng mang chứa tinh thần sống của ông tôi - nhân hậu, hóm hỉnh, yêu thiên nhiên, rừng núi. Ông rất sợ chốn chen chúc, đông người, cãi vã, ồn ào. Càng sống, càng đi tôi càng nghiệm ra: với những cảnh thanh bình, thơ mộng, sâu lắng không thể có ở chốn chen lấn. Tranh thiên nhiên hay tranh nghệ thuật, cứ đông người là không còn bình yên nữa. Không thể liệt kê hết trí thức, nghệ sĩ, tên tuổi mang tuổi Thân, tôi muốn dành ưu ái đến người sinh năm Bính Thân (1956), năm nay tròn một vòng hoa Giáp (60 năm = 5 Giáp). Những người tuổi Bính Thân mà tôi biết ở Việt Nam, có: Đạo diễn điện ảnh Lưu Trọng Ninh, NSND kịch nói Hoàng Cúc, nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Ngô Hà Thái, nhà văn Phạm Ngọc Tiến...

Đúng ngày Quốc tế Phụ nữ năm 1956, lần đầu tiên phụ nữ thế giới biểu tình: Phụ nữ Nam Phi huy động 20.000 người tuần hành đòi bình đẳng nên được gọi là 1956 Women's March. Cộng hoà Pháp, một trong những nền văn hóa lớn của loài người, lịch sử giao thoa gần gũi, ảnh hưởng đến Việt Nam có nhiều nhân vật nổi tiếng mang tuổi Bính Thân. Nhà văn: Michel Houellebecq (nhà văn nổi tiếng nhiều giải, Goncourt 2010); Brigitte Aubert (chuyên tiểu thuyết trinh thám, giải thưởng về truyện trinh thám “Cái chết trong rừng” 1997); nhà toán học Pierre-Louis Lions; Catherine Colonna - nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao châu Âu, đại sứ Pháp tại UNESCO; Diễn viên kịch Dominique Blanc (Giải thưởng Festival de Venise en 2008, Giải Liên đoàn Phê bình về Diễn viên xuất sắc 1994, 1997); đạo diễn điện ảnh Marc Caro (Giải César 1980, 1991); ca sĩ Sylvie Vartan (vợ cũ của ca sĩ rock nổi tiếng John Halliday) Giáp Thân 1944. Cùng tuổi Nhâm Thân 1932, với dịch giả Dương Tường, là nhà văn, nhà sử học, nhà chính trị gia nổi tiếng Max Gallo... Với một danh sách lừng lẫy như thế, tôi - người mang tuổi Canh Thân thấy những gì mình làm được quá ít ỏi. Cùng niềm hãnh diện về tuổi Thân, thúc giục tôi cần làm nhiều hơn để xứng đáng cầm tinh linh trưởng. Hơn/kém một vòng hoa giáp là hết một kiếp người. Kém tôi một giáp, cô gái Tày sinh trưởng ở TP Thái Nguyên, Hoàng Lệ Quyên về học thanh nhạc tại Hà Nội và đang hoạt động nghề nghiệp ở TP Hồ Chí Minh chính là ca sĩ nổi tiếng Hoàng Quyên sở hữu giọng nữ trung hiếm có. Cô ấy đang tuổi thanh niên, còn tôi đã trung niên chạy đua thời gian không kịp những dự định nghĩa vụ khát khao muốn làm.

Năm nay kỷ niệm 20 năm cầm bút, tôi sẽ ra bộ đôi 2 cuốn sách: Thơ và văn xuôi. Hai tác phẩm này đóng góp vào số sách cá nhân của tôi: 10 đầu sách, mỗi lần xuất bản là tác phẩm mới cùng một liveshow chưa từng có bởi sự xuất hiện và kết hợp của những nghệ sĩ sáng giá. Đấy là một định mệnh tận hiến của người mang tuổi Canh Thân.

Đích đến luôn ở phía trước mà thời gian đời người qua đi từng ngày, tuổi trẻ đã hết nhưng vẫn còn diệp lục tâm hồn. Từ đầu tháng 12/2015, nhiều clip quảng cáo của VTV và các đài truyền hình châu Á đã đổi biểu tượng thành những chú khỉ; châu Âu, châu Mỹ nhanh nhạy cập nhật bởi người châu Á sinh sống khắp thế giới. Tôi vẫn tin loài khỉ có sức mạnh vượt trội hơn mọi con vật khác bởi trí khôn. Vậy không lẽ gì mình lại hoảng sợ yếu đối và đầu hàng những thử thách. Số mệnh do mỗi người. Một phận kiếp đáng sống là do chính mình, không đổ tại/lệ thuộc tuổi cầm tinh. Năm mới ai cũng có điều ước cho riêng mình. Có ai ước gì cho con vật của năm? Tôi khắc khoải ước ao các loài khỉ không mất dần và tuyệt chủng bởi sự săn bắn và cướp đoạt rừng của con người.

VI THUỲ LINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh