Tấn công ‘địa đạo vàng’
- Tây Y
- 02:01 - 21/07/2015
Đây là động thái kiên quyết của tỉnh Quảng Ngãi trong việc dẹp nạn khai thác vàng trái phép diễn ra tại địa phương này từ nhiều năm qua.
Ngay từ mờ sáng, những chiến sĩ công binh lội bộ vào rừng sâu để đến hiện trường bãi khai thác vàng trái phép tại núi Cà Nhút (thôn Trà Ong, xã Trà Quân). Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, nhóm đào vàng trái phép khoảng 10 người lập tức lẩn trốn vào rừng.
Rừng như đại công trường
Khung cảnh đập vào mắt chúng tôi là cả một vùng rừng núi bị đào xới tan hoang, hàng loạt cây cổ thụ đường kính hơn cả mét bật gốc nằm chỏng chơ trên đất, đá lởm chởm, nhiều hầm hố giống như địa đạo xuyên trong lòng núi cùng những sàng đãi vàng thô sơ được dựng lên. Việc khai thác vàng trái phép tại núi Cà Nhút giống như một đại công trường.
Trung tá Châu Thanh Hải, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Tây Trà, cho biết tình trạng khai thác vàng trái phép ở đây diễn ra từ năm 2012 nhưng rầm rộ nhất là vào năm 2014. Có thời điểm, hơn 200 người từ khắp nơi kéo về đây tìm vàng, biến cả vùng rừng từ bao đời nay vốn yên tĩnh, thanh bình trở nên hỗn độn, tiếng máy nổ ầm ầm suốt cả ngày đêm. “Có lúc ban đêm ở bãi vàng này điện sáng choang như ở thành phố”, đại úy Kiều Hồng Phúc, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyệnTây Trà, nói.
Theo trung tá Châu Thanh Hải, rất nhiều lần các cơ quan chức năng của huyện Tây Trà truy quét, đẩy đuổi nạn khai thác vàng trái phép tại núi Cà Nhút, phá hủy nhiều lán trại, máy móc dụng cụ nhưng tình trạng đào, đãi vàng trái phép tại đây vẫn tiếp diễn, gây mất an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chỉ tay về con suối Cà Xó nằm dưới chân núi Cà Nhút, trung tá Hải nói: “Bao nhiêu bùn đất và các loại hóa chất độc hại dùng đãi vàng đều đổ xuống dòng suối khiến nước ở đầu nguồn này đỏ quạch, bị ô nhiễm nặng nề”.
Trước tình hình ngày càng phức tạp, chính quyền huyện Tây Trà đã cắt cử lực lượng chốt chặn tuyến đường từ xã Trà Quân lên và Trà Thanh sang núi Cà Nhút. Tuy nhiên, chốt chặn đường này thì dân đào đãi vàng lại cắt rừng đi lối khác. Thậm chí, lực lượng công an, bộ đội huyện đã cắm chốt tại bãi vàng Cà Nhút cả tháng trời, nhưng khi rút đi thì đâu lại vào đấy. “Các lực lượng chức năng của huyện đã làm hết cách nhưng cũng chẳng ăn thua. Họ rất ma mãnh, cho người cảnh giới từ dưới chân núi, hễ thấy lực lượng chức năng là gọi điện đánh động. Khi anh em lên tới nơi thì hiện trường không còn gì”, trung tá Hải kể.
Chiến dịch 10 ngày
Cơn lốc khai thác vàng trái phép ở huyện miền núi Tây Trà liên tục hoành hành khiến nhiều cánh rừng, sông suối bị đào phá tan hoang, nghiêm trọng hơn đã xảy ra vụ sập hầm khai thác vàng làm một người thiệt mạng, sau khi được sự thống nhất của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, tỉnh Quảng Ngãi quyết định sử dụng 1,1 tấn thuốc nổ để phá hủy 36 hầm khai thác vàng trái phép ở xã Trà Quân và Trà Thanh.
Bên trong hầm được đào rất nhiều ngóc ngách |
Là người chỉ huy phương án sử dụng thuốc nổ đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép ở huyện Tây Trà, sáng 19.7, đại tá Nguyễn Phương, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Ngãi cũng đến bãi vàng núi Cà Nhút để tham gia khảo sát, chỉ đạo chiến sĩ công binh hết sức thận trọng trong công việc, khi nào thật sự an toàn mới cho nổ mìn. Sau khi chui vào kiểm tra các hầm ngang, đại tá Phương chia sẻ: “Hầm sâu hun hút hàng chục mét với nhiều ngóc ngách, phía trên đầu là đá với nền đất yếu nhưng “vàng tặc” chẳng chèn chống gì cả, thật nguy hiểm, chỉ cần lớp đá phía trên đổ ập là chết người”. Theo đại tá Phương, các hầm khai thác vàng ở đây chủ yếu đào theo kiểu thủ công, với hai loại hầm đứng và hầm ngang. Hầm đứng có miệng khoảng 1 m, sâu ít nhất 3 m. Hầm ngang miệng khoảng 1 m, sâu ít nhất 10 m. “Sau khi tính toán, chúng tôi quyết định mỗi hầm đứng đặt 4 kg thuốc nổ và hầm ngang là 36 kg thuốc nổ để đánh sập các miệng hầm. Khi các hầm bị đánh sập, dân đào đãi vàng sẽ bó tay, nếu có bạo gan đào miệng hầm để chui vào cũng không dám vì lượng công phá của thuốc nổ đã làm vỡ sự liên kết của các khối đá”, đại tá Phương nói.
Sau bữa ăn trưa vội vã tại hiện trường, những chiến sĩ công binh lao vào công việc đào đất đá để đặt thuốc nổ. “Việc phá hủy các hầm khai thác vàng trái phép không những dẹp được nạn “vàng tặc” mà còn tránh xảy ra tình trạng sập hầm gây chết người, bởi các hầm rất dễ sập khi mùa mưa”, trợ lý công binh Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Ngãi Trần Ngọc Du nói.
15 giờ, cơn mưa rừng tầm tã ập đến, các chiến sĩ công binh vội vã xuống núi. Ngay trong ngày đầu tiên, 4 hầm khai thác vàng trái phép đã bị đánh sập. “Chúng tôi cố gắng hoàn thành việc phá hủy các hầm khai thác vàng trái phép ở xã Trà Quân và Trà Thanh trong 10 ngày, sau đó bàn giao thực địa lại cho địa phương quản lý”, đại tá Phương cho biết.
Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm
Theo một lãnh đạo H.Tây Trà, để xóa sổ tình trạng “vàng tặc” ở Trà Quân và Trà Xinh, sau khi nhận bàn giao thực địa, chính quyền địa phương sẽ giao cho các cơ quan chức năng của huyện lập phương án giao đất, giao rừng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong lòng đất cho các tổ chức, cá nhân. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo UBND H.Tây Trà tăng cường việc quản lý địa bàn sau khi nổ mìn, nếu để tình trạng đào, đãi vàng trái phép tái diễn thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm.