THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:02

Tấm lòng với trẻ khuyết tật

 

Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu ấy được nhiều người ở đây gọi thân thương, trìu mến là O Loan. Gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu mới hoạt động, bà Trương Thị Loan (61 tuổi) coi đây là ngôi nhà thứ hai, coi các cháu như con, cháu ruột. Bà Loan bộc bạch: Các con đa phần bị khuyết tật khá nặng như bại não, chân tay bị liệt hoặc co quắp, mù, câm, điếc... Tuy chỉ 12.000 đồng/cháu/ngày, nhưng bà Loan luôn cố gắng để mỗi bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, các con mới có sức khỏe tốt để luyện tập, nhanh phục hồi. 

Được thành lập năm 2002, Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật, trẻ em nạn nhân chất độc da cam huyện Quảng Ninh là ngôi nhà thứ hai đối với các cháu và cả phụ huynh. Trung tâm đang tiếp nhận, chăm sóc và hướng dẫn luyện tập luân phiên bán trú miễn phí cho 50 cháu. Đây là những trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. 

Khó khăn của Trung tâm là đội ngũ cán bộ có khả năng giảng dạy cho các em ít. Trong khi những em bị khuyết tật thường “nhanh nhớ nhanh quên” nên quá trình hướng dẫn, dạy bảo các em phải lặp đi lặp lại rất vất vả. Ngay từ sáng sớm, bà Loan và hai kỹ thuật viên đã có mặt ở Trung tâm để đón trẻ, tùy theo mức độ khuyết tật của từng cháu để phân ra các nhóm để hướng dẫn, luyện tập riêng. Vì công việc nhiều, cán bộ ít nên ngoài công việc hộ lý cấp dưỡng, bà Loan cùng các kỹ thuật viên giúp trẻ khuyết tật vận động và hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ các con bài tập... Nhiều trường hợp được đưa đến Trung tâm chân tay co quắp, không tự vận động được chỉ nằm im một chỗ. Thế nhưng với sự chăm sóc, kèm cặp tận tình của bà Loan và các kỹ thuật viên, sau một thời gian ngắn nhiều cháu khuyết tật đã biết đi chập chững. 
Vất vả là thế đồng lương ít ỏi nhưng chưa một lần bà Loan cảm thấy nản lòng. Bà Loan xúc động: "Tôi thương các con ở nghị lực vượt lên số phận. Có nhiều phụ huynh phải vượt hàng chục km, chở con đến Trung tâm bằng xe đạp, dù ngày mưa hay nắng cũng không vắng mặt". Chị Phạm Thị Sáu ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh kiên nhẫn suốt 5 năm qua chở con trai 7 tuổi, bị bại não đến Trung tâm. Từ một đứa trẻ ngô nghê, chỉ biết lê lết để di chuyển thì nay con trai chị đã có thể đứng vững và tập đi. Chị Sáu cho biết: "Khi cháu 2 tuổi thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị bại não, cháu chỉ biết lết, chân tay bị co quắp, gia đình tôi tuyệt vọng hoàn toàn. Nhưng từ khi đưa cháu đến Trung tâm được các kỹ thuật viên hướng dẫn cách luyện tập và đặc biệt là sự tận tâm chăm sóc của bà Loan, giờ cháu đã có thể vận động và tập đi lại được". 
Nói về những việc làm thầm lặng mà ý nghĩa của bà Loan với những trẻ khuyết tật, ông Lê Quyết Chiến, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật, trẻ em nạn nhân chất độc da cam huyện Quảng Ninh cho biết: "Từ tình yêu thương, tấm lòng đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh trẻ khuyết tật, bà Loan và các cán bộ ở đây làm việc bằng cái tâm và trên tinh thần tự nguyện. Mặc dù phụ cấp cho cán bộ không đáng là bao nhưng vì tình yêu thương với các cháu mà nhiều lần bà Loan bỏ tiền túi của mình để mua hoặc mang của nhà tới khi là hộp sữa, bánh kẹo để làm quà, động viên các cháu. Bà Trương Thị Loan đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng như Trung Tâm ghi nhận và tặng giấy khen vì những đóng góp thầm lặng của mình".

Theo baotintuc.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh