THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:32

Tài xế tự... treo bằng vì nạn xe quá tải!

Gia đình ông Phong cũng trải qua mấy thế hệ sống bằng nghề lái xe và kinh doanh vận tải, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy bế tắc như giai đoạn này. Hiện, gia đình có 4 xe tải loại 8 tấn, nhưng tất cả đều đã nghỉ chạy 2 tháng nay, lái xe cũng mỗi người mỗi nơi, một người về quê, còn ba người đi hái cà phê. 

Trước đó, các xe của gia đình ông Phong chuyên chạy tuyến Buôn Ma Thuột (BMT) – TP. Hồ Chí Minh, mỗi xe trung bình chạy 7 chuyến/tháng.

Theo liệt kê của ông Phong: Một chiếc xe 8 tấn tính theo dung sai cho phép của trạm cân chở được 9 tấn hàng, giá cước tại bãi xe BMT thời gian này chưa đến 500.000 đồng/tấn; tiền cò bãi xe mất 200.000 đồng; bồi dưỡng bốc vác 90.000 đồng (chở cà phê bồi dưỡng 50.000 đồng/tấn); mua vé cầu đường tới tỉnh Bình Dương hết 240.000 đồng (nếu hàng đi TP. HCM sẽ cao hơn); ăn uống cho hai tài xế một chuyến (ba ngày) từ 550 đến 600.000 đồng; bỏ hàng xuống bồi dưỡng bốc vác 15.000 đồng/tấn; tiền chung chi công an trung bình 450.000 đồng/chuyến.

Hàng về giá 400.000 đồng/tấn, lại chu trình tiền cò, tiền bốc vác lên xuống như trên...

Công khai chở hàng quá tải ở Đắk Lắk.

Công khai chở hàng quá tải ở Đắk Lắk.

Nhẩm tính, tiền dầu một chuyến đi về gần 5 triệu; trả lương hai lái xe 1.600.000 đồng/chuyến. Một xe đi- về thuận buồm xuôi gió sẽ dư 1.500.000 đồng, chưa dám tính hao mòn, hư hỏng, chưa tính phí đăng kiểm, phí đường bộ, bảo hiểm, lãi ngân hàng...

Ông Phong dẫn giải, xe 8 tấn không thể chở quá tải, bởi “chung chi” không nổi. Nếu chở quá tải, sẽ phải chở 20 tấn, tuyến đường BMT – TP Hồ Chí Minh phải qua ít nhất 2 trạm cân, mỗi trạm “chung”  một triệu, đi về mất 4 triệu, vậy còn gì mà ăn? Chưa kể nếu làm liều mà chở quá thì lốp nổ như pháo.

“Tôi quyết định cho xe nghỉ vì chẳng có lời, với lại chạy xe kiểu bán lốp ăn dần thì chạy làm gì? Tôi có 4 xe thì hai chiếc còn hai năm hết đời, hai chiếc còn ba năm, tôi chỉ cho chạy cầm chừng để giữ chân tài xế và hy vọng sẽ có thay đổi tích cực”, ông Phong nói.

 Càng cân, cước vận tải càng giảm

Những ngày đầu tháng 4/2014 là đợt cao điểm cân xe quá tải đồng loạt trên cả nước, giá cước vận tải tăng cao. Cước vận chuyển cà phê từ BMT đi TP Hồ Chí Minh từ 800 đến 900.000 đồng/tấn, nhà xe phấn khởi chở đủ tải, xe đỡ hao mòn hư hỏng, lên đèo xuống dốc đỡ lo nổ lốp, nổ mâm, an toàn hơn, lái xe đỡ vất vả...

Thế nhưng, theo lời ông Phong, chỉ một thời gian sau đó, nhiều chủ xe, lái xe vì hám lợi đã tìm cách móc nối “chung chi” để chở hàng vượt tải trọng cho phép qua trạm cân. Khi được những cán bộ biến chất tiếp tay thì số xe chở quá tải bỗng chốc tăng vọt, trở thành “phong trào” và nạn “chung chi” cũng trở nên phổ biến.

Theo phản ánh, xe của các công ty, doanh nghiệp lớn, xe nhà giàu, xe bốn chân, năm chân (xe có 4 đến 5 trục), xe đầu kéo, xe contennơ... đa phần đều chở quá tải. Cụ thể, xe bốn chân chở 50 tấn, xe năm chân chở 55 đến 60 tấn, xe công 40 phíp chở cả 100 tấn...

Khoảng 2 đến 3 giờ sáng là các xe quá tải đồng loạt xuất phát, khi đó cảnh sát giao thông, nhân viên trạm cân sẽ ngó lơ, hoặc ngồi ăn uống, tinh vi hơn, nhân viên trạm cân sẽ tập trung cân các xe đủ tải và các xe quá tải sẽ được lệnh vượt trạm.

Như ông Phong cho biết, giá cước vận chuyển hàng từ BMT đi TP Hồ Chí Minh hiện đã giảm chỉ còn 400 đến 500.000 đồng/ tấn, đó là do xe quá tải phá giá!.

Những xe tải nhỏ không thể cạnh tranh với xe tải lớn trong cuộc đua quá tải. Nhà nước không quản lý, giám sát nổi các trạm cân nên xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động, làm lũng loạn thị trường giá cả và các con đường vẫn ngày ngày bị tàn phá.

Long Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh