Tại sao nhiều người thích đồ công nghệ cổ
- Y học 360
- 13:22 - 19/07/2019
Nếu ai đó phát hiện chiếc máy nghe nhạc cầm tay Sony Walkman 40 năm tuổi trong nhà kho, ngoại hình cũ kỹ và cho rằng nên vứt đi, thì bên ngoài kia, nó có thể là món đồ đang được giới sưu tầm săn lùng. Thực tế, thị trường thiết bị công nghệ hoài cổ (retro) đang chứng kiến một sức sống mạnh mẽ và sôi động.
Tháng 5 vừa qua, Apple bất ngờ làm mới mẫu iPod Touch sau bốn năm lãng quên, với thiết kế không khác nhiều so với thế hệ trước đó, chỉ nâng cấp cấu hình và chạy iOS mới. Trong bốn năm gần nhất, doanh thu đĩa vinyl (đĩa than) đạt 400 triệu USD mỗi năm, theo Statista. Hay doanh số đầu DVD đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn bán được 4 triệu chiếc mỗi quý trong 2018.
Các thiết bị mang xu hướng hoài cổ khác, như máy quay phim cầm tay, đầu thu vô tuyến truyền hình, đầu cassette, radio, điện thoại bàn... vẫn được hàng triệu người dùng trên toàn thế giới sử dụng. Thống kê của Statista cho thấy, gần 500 triệu sản phẩm dạng này vẫn còn có mặt trong hàng triệu hộ gia đình Mỹ năm 2017.
Điều gì đã thúc đẩy nhiều người tìm đến vinyl, máy chụp ảnh lấy ngay hay iPod - những sản phẩm được xem là lạc hậu về công nghệ hiện tại?
"Mỗi thiết bị retro có sức hấp dẫn riêng. Có một bộ phận người dùng muốn được ngắt kết nối nhưng vẫn có quyền truy cập vào những thứ họ muốn và số lượng này đang tăng lên", Ryan Reith, Phó chủ tịch chương trình di động tại International Data Corporation (IDC), nhận định.
Dù có tuổi đời hàng chục năm, nhiều thiết bị được ví như "linh vật của một giáo phái". Chẳng hạn những người yêu thích iPod của Apple luôn bỏ thời gian phân tích, dự đoán về phiên bản làm mới của máy nghe nhạc này từ khi nó chưa ra mắt.
Paul Gagnon, Giám đốc mảng nghiên cứu và phân tích tại IHS Markit, cho rằng Apple dường như đang nhắm mục tiêu là thanh thiếu niên khi quảng bá iPod. "Các thương hiệu đang xây dựng cơ sở người dùng trẻ tuổi. Nhóm khách hàng này sau đó sẽ được hướng đến những sản phẩm đắt tiền của công ty khi chúng lớn lên", Gagnon nhận xét.
Một xu hướng cũ khác đang quay lại là máy chụp ảnh lấy ngay. Fujifilm, công ty sản xuất dòng Polaroid chuyên chụp lấy ngay, tiết lộ doanh số loại sản phẩm này đang ở mức ổn định. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019, hãng điện tử Nhật Bản đã bán được 10 triệu máy ảnh chụp lấy ngay và máy in ảnh từ smartphone trên toàn thế giới. "Chúng tôi đã vượt qua ranh giới thế hệ bằng cách thu hút các nhiếp ảnh gia trong thời đại kỹ thuật số", đại diện Fujifilm chia sẻ.
Một số chuyên gia cho rằng, nỗi nhớ là nhân tố đóng vai trò lớn trong việc thu hút người dùng của các thiết bị retro. Nó có thể mang lại cảm giác thoải mái khi hồi tưởng về thời thơ ấu, hoặc gợi nhớ đến một kỷ niệm, một mốc thời gian nào đó có ý nghĩa trong cuộc đời.
Trên mạng xã hội như Tumblr hay Pinterest, ảnh chụp cổ điển luôn có hàng ngàn lượt thích và chia sẻ. Máy ảnh dùng một lần cũng thường tạo xu hướng trên Pinterest.
"Các sản phẩm công nghệ mới ra mắt liên tục khiến thiết bị cũ trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, chúng vẫn có liên quan đến cột mốc, giai đoạn nhất định trong lịch sử và buộc mọi người nhớ đến khi nhìn thấy", Michael Connor, giám đốc nghệ thuật của Rhizome, một tổ chức nghệ thuật kỹ thuật số, nhận xét.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, tiện ích cổ điển cũng giúp người dùng trải nghiệm công nghệ, nhưng vẫn cho phép họ cảm thấy kết nối, không rời xa thế giới thực. Smartphone thường có tác dụng ngược lại. Đó là lý do tại sao mọi người vẫn mua đồng hồ báo thức và máy tính, dù điện thoại có tất cả các chức năng đó.
"Nhiều người thích chất ảnh mờ khi chụp bằng máy Polaroids, số khác cảm thấy thư giãn khi chất âm từ đầu hát vinyl phát ra, lại có tín đồ say mê nhìn pixel trên màn CRT như một tác phẩm nghệ thuật. Các sản phẩm hoài cổ luôn mang lại những trải nghiệm độc đáo riêng mà thiết bị hiện đại không thể nào có được", Connor nói thêm.
Theo VNEXPRESS