Tại sao người càng thành công, càng muốn lựa chọn sống giản dị?
- Bác sĩ
- 01:56 - 24/04/2020
1. Phong độ và đẳng cấp thể hiện qua lòng độ lượng, tâm lý cảm thông
Người xưa kể rằng, trong lịch sử, có một vị quan tuy quyền cao chức trọng nhưng làm người khiêm tốn lễ độ, đối nhân xử thế đều được ngợi khen hết lời.
Có một lần, trên đường đi xử lý công vụ, vị quan này có đi qua nhà của một ân sư. Ông bèn quyết định bớt thời gian qua bái kiến một lần. Khi đã đến trước cửa nhà, vị quan thấy người gác cổng nhìn quan phục của mình mà sợ run, bèn nói với kẻ hầu:
“Khoan hãy thông báo cho ân sư ta tới đây, trước hết, hãy lấy một bộ quần áo thường giản dị cho ta mượn được không?”
Khi được hỏi nguyên nhân, vị quan đáp:
“Nếu mặc bộ quan phục này đi gặp ân sư, người có thể sẽ nghĩ ta đang dùng thân phận quan viên để gặp gỡ, sinh ra áp lực trong lòng. Cho dù ta có muốn ôn chuyện cũ, ân sư cũng cảm thấy khó xử. Như vậy, chỉ có thay đồ, tháo mũ quan xuống, ân sư mới có thể thoải mái gặp người học trò cũ này.”
Thông thường, thư sinh ngày xưa có ai mà không muốn “áo gấm về làng, quan phục uy nghiêm”. Chỉ có vị quan nọ cố ý giấu đi toàn bộ vinh quang để thể nghiệm và chăm sóc cho cảm nhận của những người xung quanh.
Có thể thấy rằng, một người thực sự thành công thì không cần cố tình khoe khoang thành tựu, danh hiệu và tài sản của bản thân. Trên hết, họ hiểu cách thông cảm và sẻ chia cho cảm xúc tất cả mọi người. Bên trong sự thông cảm ấy cũng là biểu hiện của phong độ, đẳng cấp của một cá nhân.
2. Giá trị thực sự không nằm ở bên ngoài, giản dị hay xa hoa cũng thế
Khi đạt được 1-2 thành tựu đáng nể nào đó, người ta thường dễ trở nên kiêu ngạo, tự đắc về bản thân mà bỏ qua sự thật rằng, đó mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Con đường dẫn tới thành công còn rất nhiều gập ghềnh với những ngã rẽ liên miên trước mắt.
Khi chưa thể trải nghiệm tận cùng của thế giới, chúng ta rất dễ trở thành con ếch ngồi trong đáy giếng, lầm tưởng khoảng trời nhỏ bé trước mắt chính là cả thế giới. Kỳ thực, nếu cứ sống với tâm lý đó, bạn chỉ có thể dậm chân tại chỗ, mãi mãi không chạm tới mục tiêu cuối cùng.
Chính sự từng trải sẽ giúp chúng ta bồi dưỡng khí chất và linh hồn. Quá trình trải nghiệm là chìa khóa tốt nhất để hiểu rõ thế nào là đúng là sai, là xấu là đẹp, là cao là thấp, là sang là hèn…
Chẳng phải tự dưng mà cả đời tỷ phú Lý Gia Thành chỉ mặc một bộ tây trang đến gần chục năm, luôn đi những đôi giày cũ, đeo một chiếc đồng hồ 500 USD chạy bằng năng lượng mặt trời, dù cả gia tài trị giá hàng chục tỷ USD.
Hay như “gã khổng lồ” trên thị trường tài chính Warren Buffett, kẻ luôn đứng trong top đầu tỷ phú giàu có của Forbes vẫn chỉ ăn McDonald’s và uống Coca mỗi ngày như một niềm đam mê.
Hay như người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg sở hữu một chiếc xe hơi với giá dưới 20.000 USD và một tủ quần áo chỉ bao gồm những chiếc áo phông, quần jeans bình thường nhất.
Chỉ có người thực sự thành công trong quá trình trải đời mới hiểu ra giá trị thực sự của bản thân nằm ở đâu. Do đó, họ không cần cố gắng tìm kiếm hay khẳng định chúng thông qua bề ngoài sang trọng, phụ kiện đắt giá hay lối sống xa hoa.
3. Sức mạnh đến từ bên trong, phong cảnh đẹp nhất là nội tâm chính mình
Đại đa số thời điểm, chúng ta đều tìm kiếm và hưởng thụ sự tôn trọng, ngưỡng mộ của những người xung quanh. Vì thế, chúng ta nỗ lực phô bày địa vị, khoe khoang tài học, phô trương thành tựu, thể hiện sức mạnh của bản thân.
Người ta mua sắm tích lũy của cải vô tội vạ, từ giày dép, túi xách, quần áo, điện thoại di động, đến các loại xe gắn máy, xe hơi, nhà cửa biệt thự ... và luôn cố gắng theo kịp những kiểu dáng, những "đời" mới nhất để được xem là sành điệu, để được kính nể, để “hơn” những người khác quanh mình.
Thế nhưng, đợi đến khi thời gian qua đi, con người thực sự trưởng thành từ trong tâm tưởng, chúng ta lại nhận ra điều hoàn toàn ngược lại: Càng khuyết thiếu thứ gì, người ta lại càng cố thể hiện thứ đó.
Chính vì thiếu năng lực nên chỉ đạt được 1-2 thành tựu, chúng ta đã tìm cách tung hô tận trời. Chính vì thiếu quan hệ nên chỉ vô tình gặp gỡ 1-2 nhân vật nổi tiếng, chúng ta không ngừng thể hiện, giả vờ có vẻ thân thiết lắm. Càng cố dùng vẻ ngoài hào hoa bóng bẩy, chúng ta càng không thể che đậy cảm giác tự ti, nhỏ bé bên trong nội tâm của mình.
Chỉ có người thực sự trưởng thành từ trong tâm trí mới nhận thức đủ về giá trị của mình. Họ biết rằng, thay vì chờ mong sự khẳng định từ người khác, sức mạnh thực sự thuộc về giá trị bên trong mỗi con người.
Bản thân ta là ai, có vị trí gì, năng lực ở đâu, giá trị lớn nhỏ chừng nào... đều là những câu hỏi mà chúng ta tinh tường nhất. Câu trả lời luôn nằm sâu bên trong nội tâm chứ không phải nằm ở ánh mắt người đời.
Khi tỷ phú Steve Jobs chỉ mặc duy nhất một bộ đồ đen với chiếc áo len cổ lọ đặc trưng, ông có sợ bị mọi người chê bai nhàm chán? Đáp án là không hề. Vì ông biết rõ rằng, quần áo nhàm chán không đại biểu cho sản phẩm mà ông làm ra nhàm chán, càng không đại biểu cho một trí tuệ, một con người nhàm chán.
Ngược lại, cuộc sống giản dị giúp cho Steve Jobs thoát khỏi rất nhiều rắc rối mệt mỏi. Ít nhất, ông không cần tốn thời gian vô giá của bản thân để lựa chọn quần áo phải mặc mỗi ngày.
Đó cũng là cách để chúng ta thoát khỏi những gông cùm trách nhiệm do chính mình tự đeo vào cổ, thông qua đó, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn để sống với những người thân yêu, để thư giãn và thực hiện những điều mình ưa thích, để chia sẻ và trải nghiệm với cuộc đời theo đúng nghĩa hơn.