Tại sao học sinh Việt Nam ở Đức thành công?
- Tây Y
- 00:19 - 15/06/2015
Cách đây năm năm, khi Thilo Sarazin, nguyên Bộ trưởng Tài chính bang Berlin (Đảng SPD), lúc đó là thành viên Ban Giám đốc Ngân hàng Liên bang Đức, đưa ra so sánh giữa thành công của học sinh Việt Nam ở Đức và kết quả học tập kém khả quan của học sinh có nguồn gốc xuất thân từ Thổ Nhĩ Kỳ, tuần báo “DIE ZEIT” (Thời đại) là một trong những cơ quan truyền thông lên án gay gắt nhất thái độ phân biệt chủng tộc được thể hiện qua“trò chia rẽ giữa người nhập cư tốt và người nhập cư xấu”của tác giả này.
Thật đáng ngạc nhiên là cũng chính tờ “DIE ZEIT” trong số ra ngày 11/6/2015, lại có hẳn bài khẳng định rằng “học sinh từ các gia đình Việt Nam đạt thành tích học tập tốt nhất ở các trường phổ thông Đức, còn học sinh gốc Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm có kết quả tồi tệ nhất”.
Đây là bài kết thúc của một chuyên đề gồm ba kỳ về chủ đề năng khiếu/tríthông minh. Kỳ thứ nhất (28/5/2015) bàn về vai trò của giáo dục gia đình, đặcbiệt ở giai đoạn trước khi nhập học phổ thông. Kỳ thứ hai (3/6/2015) nói về quan hệ giữa di truyền và trí thông minh. Kỳ cuối cùngbàn về ảnh hưởng của vănhoá đối với giáo dục, cụ thể trên nghiên cứu trường hợp (case study) học sinh có nguồn gốc Việt Nam ở Đức, mà câu hỏi định hướng đã được đặt ra ở kỳ mở đầu, in ngay trên trang nhất của số báo đó: “Tại sao trẻ em Việt Nam lại học giỏi hơn trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ?”
Trong khuôn khổ một bài điểm báo, tôi sẽ không thể đi sâu vào các nội dung ở hai kỳ trước, mà chỉ giới hạn vàoviệc tóm lược một số luận điểm căn bản nhất của “nghiên cứu trường hợp” ở kỳ ba, mà vì những lý do hiển nhiên, sẽ được người đọc tiếng Việt quan tâm hơn cả.
Trước hết cần nói ngay là bài báo này, đúng hơn là bài phỏng vấn với tiêu đề “Học luôn là ưu tiên hàng đầu” của Martin Spiewak, ký giả của “Die Zeit” và cũng là người chịu trách nhiệm cho cả chuyên đề, với GS Andreas Helmke, một chuyên gia về tâm lý phát triển và nghiên cứu giáo dục thực địa, tập trung vào việc giải thích nguyên nhân cho "thành tích xuất sắc" – như Spiewak nhấn mạnh – của học sinh Việt Nam ở Đức, mà không giới thiệu cụ thể những kết quả khảo sát cập nhật, ngoài hai biểu đồ sau đây:
Nguồn/Quelle: Die Zeit, Nr. 24, 11.06.2015, trang 33
Biểu đồ thứ nhất (ở trên) với tiêu đề “Người Việt Nam chăm chỉ” nêu con số thống kê toàn quốc ở Đức năm 2013 về tỷ lệ học sinh tham gia hệ tú tài (Gymnasium) trên từng nhóm dân cư, trong đó ở nhóm “không có nguồn gốc nhập cư” là 35,8 %, ở nhóm “có nguồn gốc nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ” là 18,3 % và ở nhóm “có nguồn gốc nhập cư Việt Nam” là 58,0 %.
Biểu đồ thứ hai (ở dưới) với tiêu đề “Học là ưu tiên hàng đầu” so sánh trình tự ưu tiên của sinh viên Đức và sinh viên Việt Nam cho các lĩnh vực học tập, gia đình, người yêu và thời gian rỗi (từ trái sang phải), mà xu hướng rõ ràng là sinh viên Việt Nam trước hết coi trọng việc học và gia đình, trong lúc đó sinh viên Đức lại dành ưu tiên hàng đầu cho người yêu và thời gian rỗi. Tuy nhiên, bài báo không nói rõ nhóm sinh viên Việt Nam được điều tra dư luận ở đây là sinh viên Việt Nam ở trong nước hay sinh viên Việt Nam ở Đức.
Trước đây mấy năm Andreas Helmke –cùng với vợ ông, nhà nghiên cứu giáo dục gốc Việt Tuyết Helmke – đã tiến hành một nghiên cứu so sánh về năng lực học toán của học sinh bậc tiểu học ở Hà Nội và München. Trong bài phỏng vấn công bố ngày hôm qua, Helmke cho biết là trẻ em Hà Nội có khả năng làm toán vượt trội („haushoch überlegen“) so với trẻ em cùng lứa tuổi ở München, cho dù điều kiện học ở Việt Nam rất khó khăn, ví dụ thầy cô giáo ở đó thường phải đứng trước lớp có tới năm mươi học sinh. Có một khía cạnh mà Helmke nhấn mạnh là ngay ở những bài tập đòi hỏi sâu hơn về tư duy toán, học sinh ở Hà Nội vẫn đạt những kết quả tốt hơn so với học sinh München. Đây là một bằng chứng theo Helmke phủ nhận lại định kiến cho rằng ở châu Á chỉ thiên về "học gạo". Thành tích về môn toán của trẻ em gốc Việt ở Đức cũng hoàn toàn tương xứng khả năng học toán của trẻ em Việt Nam ở trong nước, Helmke khẳng định rằng học sinh Việt Nam ở Đức thuộc nhóm học sinh có kết quả học toán tốt nhất. Trả lời câu hỏi của ký giả liệu có phải người Việt có một thứ "gien toán" đặc biệt, Helmke cho rằng có một nguyên nhân văn hoá: Ở Việt Nam toán là môn học tối thượng („Königsfach“), ai giỏi toán người ấy giành được sự vị nể cao nhất, ở đó không thể có ai tỏ ra kiểu cách theo lối cho hay rằng mình là người mít đặc về toán, như người ta vẫn bắt gặp ở Đức.
Bên cạnh các kết quả vượt trội tron gmôn toán, học sinh Việt Nam còn dành được điểm số cao hơn cả học sinh Đức ở môn… tiếng Đức, ít nhất là theo thông tin của ký giả Spiewak. Không đi sâu vào việc lý giải hiện tượng này, Helmke lưu ý đến nghịch lý rằng ở nhiều gia đình nhập cư Việt Nam bố mẹ không nói tiếng Đức, mà nói tiếng Việt với con cái, trong lúc theo mô hình hội nhập thành công được công nhận rộng rãi thì phụ huynh ở các gia đình nhập cư cần nói tiếng Đức ở nhà với con. Dẫn kết quả của hai đồng nghiệp là Nauck và Gogolin trong một nghiên cứu nghiên cứu so sánh giữa hơn 1.500 bà mẹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Đức, Helmke cho biết các điều kiện bề ngoài giữa hai nhóm nhập cư Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ khá giống nhau: thu nhập bình quân thấp, nói tiếng Đức kém, chỉ có ít sách ở nhà. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ trẻ em gốc Việt theo học hệ tú tài lại cao hơn gấp đôi so với trẻ em gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Khác với cách lý giải phổ biến (chẳng hạn ở Thilo Sarrazintrước đây) cho rằng nguyên nhân nằm ở thái độ khước từ hội nhập của các gia đình Hồi giáo, Helmke cho rằng các bậc phụ huynh Thổ Nhĩ Kỳ – cũng như ở các nhóm cư dân nhập cư khác – rất coi trọng việc học hành của con cái.
Điểm khác nhau căn bản trong quan niệm giáo dục và cách hành xử giữa các bậc phụ huynh Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam mới đây được đề cập trong một công trình của AladinEl-Mafaalani.
Nhà nghiên cứu này đã tiến hành phỏng vấn hai nhóm phụ huynh nói trên và đi đến kết quả: Các bậc bố mẹ Thổ căn bản phó thác cho nhà trường, đối với họ thầy cô giáo là các chuyên gia có trách nhiệm dạy và giáo dục con mình; các bậc bố mẹ Việt ngược lại cho rằng mình có cùng trách nhiệm trong thành công học tập của con cái, họ coi mình là người đồng-giảng dạy, đồng-huấn luyện viên và nhìn nhận vị trí của thầy, cô giáo nhiều hơn ở vai trò của người trọng tài.
Ở chỗ này Helmke đưa ra một ví dụ minh hoạ khá bất ngờ ngay cả với người trongcuộc: Một bài hát Việt Nam - rất nổi tiếng mà tất cả người Việt Nam đều biết - kể cả ở Đức“, trong đó có câu "Zu Hause ist Mutter eine Lehrerin", dịch ngược ra tiếng Việt: "Lúc ở nhà mẹ là cô giáo“.
Lúc ở nhà mẹ là cô giáo“ (Ảnh chỉcó tính chất minh hoạ!)
Liên quan đến chủ đề chung của loạt bài là năng khiếu/trí thông minh, trong bài phỏng vấn Spielwak cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của năng khiếu trong văn hoá Việt Nam.
Helmke cho rằng đây là một điểm hết sức trọng yếu. Các bậc phụ huynh Đức và cả Thổ Nhĩ Kỳ thường quy học lực kém của con cái vào nguyên nhân thiếu năng khiếu. Ở người Việt – cũng như đối với người Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản – có một quan niệm hoàn toàn khác, như các kết quả nghiên cứu so sánh văn hoá của các nhà nghiên cứu Mỹ Stevenson và Stigler đã chỉ ra cách đây hơn hai mươi năm. Theo đó trong các nền văn hoá giáo dục (Đông) Á, năng khiếu chỉ đóng một vai trò thứ yếu cho thành công trong học tập, và bất cứ ai cũng có thể thành công nếu đủ nỗ lực. Mặt trái của truyền thống này là những học sinh ít năng khiếu và phụ huynh của họ sẽ khó có thể biện hộ sự thất bại trong học tập bởi lý do này.
Helmke cũng lưu ý đến những tương đồng giữa thành công của học sinh Việt Nam ở Đức và thành công học tập nói chung của Asian Americans (người Mỹ gốc Á) ở Hoa Kỳ hay ở Canada. Mẫu số văn hoá của các hiện tượng này chính là di sản Nho giáo trước sau vẫn chi phối sâu sắc tư duy của người Việt – cũng như người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore – bất luận họ đang sống ở đâu, ở Việt Nam, ở Hoa Kỳ hay ở Đức. Trong truyền thống tư duy này, không chỉ học vấn đóng một vai trò then chốt, mà cả thái độ kính trọng trước người lớn tuổi, đặc biệt đối với bố mẹ và thầy cô giáo và nghĩa vụ hoàn thành chữ hiếu bằng cách mang điểm tốt về nhà.
Luận điểm về vai trò giá trị của Nho giáo đương nhiên không có gì mới. Điều đáng suy nghĩ ở đây là nhận xét của Helmke rằng thành công của học sinh Việt Nam dường như sẽ được đảm bảo tốt nhất chừng nào mà gia đình của họ vẫn còn duy trì được nền văn hoá xuất xứ...
Nhận xét này hoàn toàn tương ứng với một kết quả nghiên cứu thực nghiệm khác mà tôi đã có dịp lược thuật trước đây: Theo Olaf Beuchling, một nhà nghiên cứu giáo dục ở Hamburg đã theo dõi kết quả học tập của học sinh Việt Nam từ hơn 15 năm nay, không thể đưa ví dụ của học sinh Việt Nam để làm mẫu mực cho các nhóm nhập cư khác. Chính sách hội nhập của Đức nhắm tới đối tượng chủ yếu là trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ và xuất phát từ hình dung rằng hội nhập càng tốt thì thành công trong giáo dục càng cao. Kết quả khảo sát của Beuchling cho thấy có một quy trình diễn ra ngược lại đối với người Việt: càng thích ứng với văn hoá Đức, thành công của học sinh Việt Nam lại càng giảm sút. Theo ông, “người Việt ở thế hệ thứ hai và thứ ba ở Đức đã đánh mất một phần chuẩn mực ứng xử của Nho giáo” và kết quả nhãn tiền là: kết quả học tập của họ đi xuống – giống như các học sinh Đức.