Tại sao cứ phải đón nhau ở sân bay? - Thực tế chúng ta yêu nhưng không phải bất chấp sức khỏe để đánh đổi 1 nụ hôn
- Bác sĩ
- 14:14 - 03/08/2020
"Nếu đối với bạn đón người mình yêu là phiền phức, là lãng phí tiền của và thời gian thì đối với tôi, tôi thích như vậy, tôi biết cái cảm giác khi có người đợi mình, cảm giác có ánh mắt tìm mình giữa đám đông trong phòng chờ. Và người thân nhất định phải là người đầu tiên tôi nhìn thấy sau một chuyến đi dài. Sự khác biệt là ở đó...".
Giữa hàng ngàn tin về dịch Covid-19, giữa những bức ảnh bao người đoàn kết chung tay chống dịch tôi vô tình đọc được 1 bài viết mang tên: Bài học thấm thía từ câu chuyện "Tại sao phải đón nhau ở sân bay".
À thì ra 1 bài viết đã cũ nhưng tôi không hiểu sao nó lại đươc khơi lại cùng rất nhiều người vào hưởng ứng việc đưa đón nhau tại sân bay mới là cách thể hiện tình yêu. Dù có thể sau bài viết này người ta sẽ bảo tôi điên nhưng sống giữa thời cuộc, chúng ta hãy ngừng thể hiện tình yêu giữa nơi công cộng, đặc biệt là sân bay hay nhà ga, bến xe... những nơi đánh dấu sự chia ly hoặc trở lại.
Tại sao phải đón nhau ở sân bay?
Chắc hẳn có rất nhiều người đã chứng kiến những cảnh tượng đưa đón đến đẫm nước mắt. Người vợ bịn rịn quyến luyến tiễn chồng đi lao động nước ngoài. Vài năm đằng đẵng lại đôi vợ chồng ấy, lại đường băng ấy nhưng anh thì gầy guộc xanh xao, chị mắt hằn vết chân chim của dòng thời gian lam lũ, bao gồm cả sự chờ chồng mỏi mòn. Chỉ có thêm 1 người, đó là đứa trẻ ngày anh đi chưa thành hình vậy mà nay đã cất tiếng gọi bố, chạy lăng xăng tạc thêm vào bức tranh hạnh phúc trọn vẹn ấy. Và rồi, người ta thấy khoảnh khắc đón người thân ở sân bay ý nghĩa biết bao.
Đó chỉ là 1 trong vô số câu chuyện về những buổi hội ngộ của tình yêu. Chính vì vậy mà bài viết kia đã hiểu thấu tâm tư của bao người, cả những ông chồng lủi thủi 1 tay vali, tay còn lại không biết bao nhiêu thùng đồ, cả những bà vợ "bạc mặt" sau chuyến công tác dài ngày, cả những cặp đôi mới nói xong lời hứa hẹn đã phải biền biệt cách xa.
Tại sao phải đón nhau ở sân bay? Nó không phải là đòi hỏi quá đáng, nó là sự mong đợi được quan tâm từ trái tim của người đi xa trở về và là sự hồi hộp, nhớ thương của người ở nhà biến thành hành động bày tỏ tình cảm. Giữa hàng ngàn gương mặt xa lạ, lại bắt gặp được một dáng hình, nụ cười thân quen, đủ khiến trong lòng trào dâng xúc động vui mừng, muốn chạy ngay đến bên người thân, bạn bè đã chờ đợi mình bao lâu như thế.
Những chiếc băng rôn đủ màu, những bó hoa tươi thắm hay đơn giản là tiếng gọi cùng nụ cười tươi tắn của người chờ đón cũng sẽ làm người đi xa về hạnh phúc đến nhường nào. Người ta bảo, có tiền cũng chẳng mua được nhưng kỉ niệm chan chứa yêu thương ấy. Nhưng...
Yêu để sống hay yêu để chết?
Mấy hôm trước tôi có nghe được câu chuyện của chị hàng xóm. Sáng ra chị ấy tâm sự, mãi mới đặt được vé máy bay xin về sớm với chồng con sau 3 tháng công tác trong Lâm Đồng. Chuyến bay hạ cánh lúc 23h30, thế mà chồng chị ấy gọi cho chiếc taxi người quen đi từ nhà ra sân bay đón vợ về. Anh vẫn mang đồ đạc vào cho chị nhưng hỏi dăm ba câu lại ngáp ngắn ngáp dài giục chị sát khuẩn toàn thân xong đi ngủ sớm. Chưa bao giờ chị thấy hôn nhân nó nhạt nhẽo và chồng mình lại vô tâm đến vậy.
Chị ấm ức suốt mấy ngày lại bị anh quát cho: "Đêm hôm đến giờ con ngủ kéo nhau ra sân bay làm gì. Mà giờ càng hạn chế nơi đông người càng tốt. Em suy nghĩ thực tế tí đi". Nhưng chị vẫn buồn vì có phải chị đi xa suốt đâu. Nhìn xung quanh người nhà người ta đến đón, tay xách nách mang mình thì cứ lủi thủi, đây không phải sự vô tâm thì là gì?
Có lẽ không riêng gì chị mà rất nhiều phụ nữ gọi hành động đơn giản ấy mới là quan tâm, là yêu thương. Các chị em tỉnh lại đi nào, giữa lúc "nước sôi" thế này yêu nhau ít đi 1 chút thì có sao!
Trao nhau cái ôm hôn giữa sân bay bây giờ không phải là yêu đâu mà chúng ta đang thiếu sự bảo vệ dành cho nhau đấy! Hạnh phúc hay tủi thân, vui hay buồn, chạnh lòng hay phấn khởi thực chất nó chỉ là những trạng thái cảm xúc của con người. Mà đã là trạng thái cảm xúc chúng ta hoàn toàn điều chỉnh cách suy nghĩ tích cực hơn theo sự nhìn nhận văn minh hơn.
Có 1 câu chuyện hài hước thế này: Cô nàng nọ đăng status nói ra 21 điều chứng tỏ đàn ông rất yêu 1 người phụ nữ. Nào là không quên ngày lễ, hỏi han thường xuyên, quan tâm chăm sóc... Và tôi ấn tượng nhất với 1 bình luận rất "phũ": "Bạn trai cũ của mình cũng thế đấy nhưng bọn tôi bỏ nhau lâu rồi. Vì anh ta phản bội. Những điều ấy đàn ông có thể làm tốt với nhiều người phụ nữ mà".
Vậy đấy, chúng ta thường đánh đồng các khái niệm rồi khẳng định 1 sự việc là sai hay đúng mà không nhìn nhận 1 cách thực tế. Năm bạn 15 tuổi, bạn ước có 1 anh chàng đẹp trai lãng mạn si mê mình. Năm 25 tuổi bạn lại muốn có 1 anh bạn trai tính tình dễ chịu, yêu mình hết lòng là được. Nhưng năm 35 tuổi bạn chỉ cần người chồng ấy tử tế. Và sự tử tế không thể đo bằng độ lãng mạn, ngọt ngào hay sến sẩm. Chúng ta đâu có thể cảm nhận được bó hoa tiền triệu đẹp như giá trị khi bụng chúng ta đang đói meo.
Quay trở lại chuyện đón người thương ở sân bay, không cần biết tiền taxi 2 chiều ra sân bay đắt đỏ thế nào, chờ đợi mất thời gian ra sao, hay những chuyến đi ấy có thật sự cần thiết phải cầu kì ra tận nơi đón không nhưng ở thời điểm hiện tại, bảo vệ nhau, nghĩ đến sức khỏe và độ an toàn cho nhau thì chính là yêu.
1 lần đưa đón chẳng nói lên được điều gì, cũng không đủ khẳng định tình yêu của người ta dành cho nhau. Bởi mỗi người còn những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên đừng đánh giá chủ quan qua việc đón tiễn.
Thay vì chờ đợi 1 gương mặt thân quen chúng ta hãy nhanh chóng về nhà để tận hưởng hạnh phúc bình dị và an toàn bên người thân yêu. Bởi yêu để sống, sống khỏe, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội chứ không phải cố chấp kéo cái khẩu trang hôn nhau cho bằng được giữa chốn đông người.