THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 12:38

Tại sao 5 x 3 = 5 + 5 +5 là sai?

Việc một giáo viên chấm phép Toán 5 x 3 = 5 + 5 + 5 của học sinh sai và thay bằng phép tính 3 + 3 +3 + 3 +3 khiến nhiều người tranh cãi trên mạng.

Nhiều người cho rằng, giáo viên đã quá khắt khe trong khi một số khác nói giáo viên chấm đúng theo Bộ quy chuẩn Chương trình Cốt lõi của Mỹ.

Cách chấm bài kiểm tra của giáo viên lớp 3 gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. Ảnh: Imgur.

Telegraph cho hay, Hội đồng Giáo viên Toán Quốc gia Mỹ (NCTM) đã lên tiếng giải thích lý do 5 x 3 không bằng 5 + 5 + 5. Họ khẳng định, giáo viên chấm không sai đồng thời giúp học sinh hiểu rõ hơn bản chất của đề bài.

"Một trong những nỗ lực của chúng tôi là dạy trẻ thành những người biết suy nghĩ thấu đáo và giải quyết vấn đề. Chúng tôi muốn các em hiểu đang làm gì chứ không đơn giản đưa ra câu trả lời đúng", bà Diane Briars, Chủ tịch NCTM, nói.

Bộ quy chuẩn Chương trình Cốt lõi về môn Toán và tiếng Anh được áp dụng rộng rãi tại các trường học ở Mỹ. Nó tóm gọn những kiến thức học sinh cần nắm được khi kết thúc mỗi năm học từ lớp 1 đến lớp 12.

Tờ Business Insider khẳng định, về mặt Toán học, câu trả lời của học sinh không sai. Nhưng theo Bộ quy chuẩn, phép Toán 5 x 3 được diễn giải thành "5 nhóm của 3". 

Mặc dù đã nhận được cách giải thích, cộng đồng mạng vẫn tiếp tục tranh cãi. Nhiều người cho rằng, cách tiếp cận khác biệt này khiến học sinh khó hiểu và nhầm lẫn. 

Các chuyên gia giáo dục cho biết, phương pháp này sẽ hữu ích khi học sinh tiếp xúc những vấn đề Toán học phức tạp hơn ở bậc trung học và cần đến phương pháp ma trận để giải Toán.

 

Giáo viên Toán nói gì về 5 + 5 + 5 không bằng 5 x 3?

Việc một giáo viên ở Mỹ chấm phép tính 5 x 3 = 5 + 5 + 5 của học sinh là sai đang khiến nhiều người tranh luận trên mạng.

Trước quy ước phép tính 5 x 3 phải bằng 3 + 3 +3 + 3 +3 của Bộ quy chuẩn Toán học Mỹ, một số giáo viên chuyên Toán của Việt Nam cho rằng, quy ước này sẽ gây phức tạp với học sinh tiểu học.

Bài toán cho học sinh lớp 3 của Mỹ đang gây nhiều tranh cãi.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Vũ Đình Hòa, người nhiều năm đưa học sinh đi thi Olympic Toán quốc tế, cho biết: "Theo cách quy ước của Mỹ, 5 x 3 phải diễn giải ra phép tổng là 3 + 3 + 3 + 3 + 3, tức là số 3 được nhân lên 5 lần. Sở dĩ bài toán gây nhiều tranh cãi, bởi chúng ta thường không khắt khe với những quy ước nhỏ như vậy".

Thầy Hòa giải thích, phép nhân (A x B) với A ở bên trái và B ở bên phải khi chuyển sang phép cộng sẽ phải bằng tổng của A lần số B (và ngược lại).

Công thức khái quát: A x B = B + B + B +...+ B (A lần số B).

Thầy Hòa cho rằng, Toán học không thể giáo điều và tuyệt đối, sẽ luôn có những ý kiến trái chiều. Việc quy ước của Mỹ chỉ để tạo tính thống nhất, những quốc gia khác hoàn toàn có thể có cách quy ước khác.

Cũng giống như trong ngôn ngữ, có những câu nói không chính xác về mặt ngữ nghĩa nhưng ai cũng hiểu và chấp nhận nó.

"Trong trường hợp bài toán dành cho học sinh tiểu học, tôi thấy việc đưa ra phép tính 5 x 3 rồi bắt diễn giải thành 5 + 5 + 5 hay 3 + 3 + 3 + 3 + 3 là hơi phức tạp và không phù hợp mục tiêu giáo dục ở lứa tuổi của các em", thầy Hòa cho biết.

Đồng quan điểm với PGS Vũ Đình Hòa, thầy giáo Võ Quốc Bá Cẩn (giáo viên dạy Toán trường THCS Archimedes, Hà Nội) cho biết, ông chấp nhận đáp án 5 + 5 + 5 của học sinh tiểu học ở Mỹ. Các em được học phép nhân có tính chất giao hoán nên 5 x 3 có thể hiểu là 3 x 5.

"Sau này khi học đại số tuyến tính, sẽ có trường hợp ma trận A x B tồn tại nhưng ma trận B x A không tồn tại (phép nhân ma trận không có tính giao hoán). Tuy nhiên, đó là kiến thức cấp cao mà các em sẽ được học sau này. Ở trình độ tiểu học, phép nhân có thể giao hoán nên chỉ cần hiểu 5 x 3 = 3 x 5 = 5 + 5 + 5 = 3 + 3 + 3 + 3 + 3"


 

Một số giáo viên chuyên Toán, khi được hỏi, đều cho rằng, phép Toán 5 x 3 tương tự bài tính số gà trong chuồng từng gây tranh cãi ở Việt Nam năm 2014. Đề bài: "Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con, hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà"? Tranh luận nổ ra giữa đáp án 8 x 4 = 32 và 4 x 8 = 32. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh