Tài sản của các tỷ phú đang tăng 2,7 tỷ đô-la mỗi ngày trong 2 năm
- Tây Y
- 12:46 - 16/01/2023
Theo Báo cáo của Oxfam công bố ngày hôm nay (ngày 16/1), kể từ năm 2020, nhóm 1% người giàu nhất đang nắm giữ gần hai phần ba số tài sản mới của nhân loại, trị giá 42 nghìn tỷ đô la, gần gấp đôi số tài sản của 99% nhóm dân số nghèo nhất thế giới. Trong 10 năm qua, nhóm 1% người giàu nhất đã thâu tóm khoảng một nửa tổng số tài sản mới.
Báo cáo “Nghịch lý về sự tồn tại của nhóm siêu giàu” được công bố vào ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Đây là thời điểm giới thượng lưu tinh hoa gặp nhau tại khu nghỉ mát trượt tuyết ở Thụy Sĩ trong bối cảnh tình trạng giàu cực đoan và nghèo cùng cực đang tăng mạnh lần đầu tiên sau 25 năm.
Trong vòng hai năm qua, nhóm 1% giàu nhất trên thế giới bỏ túi gần gấp đôi số tài sản của phần nhân loại còn lại, theo đó: Nhóm siêu giàu đã nhanh chóng thâu tóm một nửa số tài sản mới trên toàn cầu trong thập kỷ qua. Tài sản của các tỷ phú đang tăng 2,7 tỷ đô-la mỗi ngày bất chấp ít nhất 1,7 triệu người lao động đang chật vật ở các quốc gia khi lạm phát cao hơn tiền lương của họ. Áp thuế tới 5% đối với các đa triệu phú và tỷ phú có thể thu về 1,7 nghìn tỷ đô-la mỗi năm, đủ để giúp 2 tỷ người thoát khỏi nghèo đói.
“Trong lúc người dân thường đang chật vật cắt giảm chi tiêu ngay cả cho những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thì nhóm siêu giàu đã vượt lên cả những giấc mơ điên rồ nhất của họ. Chỉ sau hai năm, các tỷ phú đã bước vào thập kỷ vàng của họ; chúng ta có thể gọi những năm 2020s là kỷ nguyên bùng nổ của nhóm siêu giàu”, Bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam Quốc tế chia sẻ.
“Việc đánh thuế nhóm siêu giàu và các tập đoàn lớn sẽ là lối thoát cho tình trạng đa khủng hoảng hiện nay. Đã đến lúc chúng ta dừng lại việc tin rằng giảm thuế cho người giàu giúp họ giàu thêm và sự thịnh vượng đó sẽ lan tỏa dần xuống dưới, tới tất cả mọi người. Bốn mươi năm cắt giảm thuế cho giới siêu giàu đã cho thấy: thủy triều không đỡ mọi loại thuyền, nó chỉ nâng các siêu du thuyền cao hơn mà thôi.”
Tài sản của các tỷ phú đã tăng vọt. Trong thời gian đại dịch và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt từ năm 2020, 26 nghìn tỷ đô la (chiếm 63%) trong tổng số tài sản tăng thêm trên toàn cầu do nhóm 1% người giàu nhất nắm giữ. Chỉ có 16 nghìn tỷ đô la (37%) được phân bổ cho phần còn lại của thế giới. Cứ mỗi USD mà một người trong nhóm 90% người nghèo nhất kiếm được, thì một tỷ phú đã kiếm được gần 1,7 triệu USD. Tài sản của các tỷ phú đang tăng thêm 2,7 tỷ USD mỗi ngày. Số lượng và mức độ giàu có của các tỷ phú đã tăng gấp đôi trong mười năm qua, và làm suy yếu những thành tựu rất khó khăn mới đạt được sau một thập kỷ.
Tài sản của các tỷ phú tăng vọt vào năm 2022 cùng lợi nhuận tăng nhanh từ năng lượng và thực phẩm. Báo cáo cho thấy 95 tập đoàn thực phẩm và năng lượng đã thu về mức lợi nhuận tăng gấp đôi trong năm 2022. Họ đã kiếm được 306 tỷ USD lợi nhuận bất thường và chi trả 257 tỷ USD (84%) từ khoản lợi nhuận đó cho các cổ đông giàu có. Triều đại Walton, chủ sở hữu một nửa Walmart, đã nhận về 8,5 tỷ USD trong năm ngoái. Khối tài sản của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, chủ sở hữu của các tập đoàn năng lượng lớn, đã tăng 42 tỷ USD (46%) chỉ riêng trong năm 2022. Siêu lợi nhuận của các tập đoàn đã thúc đẩy ít nhất 50% lạm phát ở Úc, Mỹ và Anh.
Trong khi đó, ít nhất 1,7 tỷ người lao động đang sống ở các quốc gia nơi lạm phát cao hơn mức lương của họ, và hơn 820 triệu người – nghĩa là cứ 10 người lại có một người- phải nhịn đói đi ngủ. Phụ nữ và trẻ em gái – những người được ăn ít nhất và phải ăn sau những người khác - chiếm gần 60% số người nghèo đói trên thế giới. Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng chúng ta sẽ phải chứng kiến bất bình đẳng và nghèo đói tăng mạnh nhất trên toàn cầu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Hàng loạt các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng phá sản, trong đó các quốc gia nghèo nhất đang phải chi gấp bốn lần để trả nợ cho các bên cho vay giàu có hơn là đầu tư cho y tế. Ba phần tư chính phủ các nước dự định triển khai các chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu công- bao gồm cả chi tiêu cho y tế và giáo dục- khoảng 7,8 nghìn tỷ USD trong vòng năm năm tới.
Ít nhất 1,7 tỷ người lao động đang sống ở các quốc gia nơi lạm phát cao hơn mức lương của họ, và hơn 820 triệu người – nghĩa là cứ 10 người lại có một người- phải nhịn đói đi ngủ. Phụ nữ và trẻ em gái – những người được ăn ít nhất và phải ăn sau những người khác - chiếm gần 60% số người nghèo đói trên thế giới. Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng chúng ta sẽ phải chứng kiến bất bình đẳng và nghèo đói tăng mạnh nhất trên toàn cầu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Oxfam kêu gọi tăng thuế một cách có hệ thống và trên diện rộng đối với nhóm siêu giàu để thu lại những khoản lợi nhuận trong đại dịch thu được từ đầu tư công. Nhiều thập kỷ cắt giảm thuế cho nhóm người giàu nhất và các tập đoàn đã làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng, khi những người nghèo nhất ở nhiều quốc gia phải trả mức thuế cao hơn các tỷ phú.
Elon Musk, một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, chỉ phải chi trả “mức thuế thực” khoảng 3% giai đoạn 2014 đến năm 2018. Ngược lại, Aber Christine, một người bán bột mì ở Uganda, kiếm được 80 USD một tháng phải chi trả mức thuế 40%.
Trên toàn thế giới, với mỗi USD tiền thuế thu được, chỉ có 4 cent đến từ thuế tài sản. Một nửa số tỷ phú trên thế giới hiện đang sống ở các quốc gia không có thuế thừa kế đối với của cải và tài sản truyền lại cho con cháu trực hệ. Nghĩa là thế hệ tiếp theo sẽ được miễn 5 nghìn tỷ USD tiền thuế, một khoản tiền lớn hơn GDP của Châu Phi. Một tầng lớp quý tộc mới đang hình thành từ đó. Nguồn thu nhập quan trọng nhất của người giàu là từ lợi tức vốn. Tuy nhiên, thuế đánh vào lợi tức vốn hiện chỉ ở mức trung bình 18%, chỉ nhỉnh hơn một nửa so với mức thuế trần trung bình đối với tiền công và tiền lương.
Báo cáo cho thấy thuế đánh vào nhóm người giàu nhất từng cao hơn nhiều so với hiện tại. Trong bốn mươi năm qua, các chính phủ trên khắp Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ đã cắt giảm thuế suất thu nhập đối với nhóm người giàu nhất, nhưng lại tăng thuế đối với hàng hóa và dịch vụ - loại thuế đánh vào những người nghèo nhất một cách không cân xứng và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Trong những năm sau Chiến tranh Thế giới lần II, tại Hoa Kỳ, mức trần cận biên của thuế thu nhập liên bang ở mức trên 90% và trung bình là 81% từ năm 1944 đến năm 1981. Mức thuế tương tự cũng được các quốc gia giàu có khác cũng áp dụng trong những năm phát triển kinh tế thành công nhất của mình, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục và y tế trong vài năm.
Bà Bucher nhấn mạnh: “Đánh thuế giới siêu giàu là điều kiện tiên quyết và chiến lược để giảm bất bình đẳng. Chúng ta cần làm điều này để đổi mới. Để có được những dịch vụ công tốt hơn. Để xây dựng xã hội hạnh phúc và lành mạnh hơn. Để giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu và đầu tư cho các giải pháp chống lại lượng phát thải khổng lồ của nhóm siêu giàu”.
Theo phân tích mới của Liên minh Chống Bất bình đẳng, Viện Nghiên cứu Chính sách, Oxfam và tổ chức Triệu phú Yêu nước, chỉ cần mức thuế tài sản thu 5% đối với các đa triệu phú và tỷ phú trên thế giới đã có thể mang lại 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, đủ để giúp hai tỷ người thoát khỏi đói nghèo, tài trợ cho những khoản thiếu hụt trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo hiện tại, triển khai kế hoạch 10 năm để chấm dứt nạn đói, hỗ trợ các nước nghèo hơn đang bị tàn phá bởi các tác động của biến đổi khí hậu, và cung cấp dịch vụ y tế và an sinh xã hội phổ quát cho tất cả người dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình- thấp.
Oxfam kêu gọi các chính phủ:
• Áp dụng thuế đoàn kết cộng đồng một lần và thuế thu nhập bất thường để chấm dứt hành vi trục lợi từ khủng hoảng.
• Tăng thuế dài hạn đối với nhóm 1% người giàu nhất, ví dụ lên tối thiểu 60% thu nhập của họ từ lao động và vốn, trong đó đánh thuế cao hơn đối với các đa triệu phú và tỷ phú. Các chính phủ phải đặc biệt tăng thuế đối với lợi tức vốn, loại thuế này đang thấp hơn so với thuế đánh vào các hình thức thu nhập khác.
• Đánh thuế tài sản của 1% những người giàu nhất với mức thuế suất đủ cao để giảm đáng kể số lượng và tài sản của những người giàu nhất, và tái phân bổ những nguồn lực này. Điều này bao gồm thực hiện thuế thừa kế, tài sản và đất đai, cũng như thuế tài sản ròng.