THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:19

Tại sân bay Nội Bài, Hà Nội điều động 90 nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm

Theo báo điện tử VTVnew: Chiều 15/3, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo, đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tham dự đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, thành viên ban chỉ đạo và đại diện một số đơn vị liên quan. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp kiểm tra kế hoạch phòng chống dịch, lịch phân công nhân lực trực dịch, vị trí nhân sự, quy trình, phân luồng, đo thân nhiệt, cung cấp suất ăn, nước uống, chỗ nghỉ ngơi... cho hành khách.

Tại sân bay Nội Bài, Hà Nội điều động 90 nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh 1.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết: Hiện lực lượng y tế tại đây đã lấy 683 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 cho các hành khách, gấp đôi so với dự tính ban đầu. Dự kiến đến hết ngày 15/3 lấy thêm được 700 mẫu.

Ngành Y tế Hà Nội đã huy động 40 người, đang điều động tiếp 50 cán bộ y tế hỗ trợ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm nhằm giảm thời gian chờ đợi cho khách nhập cảnh. Lực lượng Hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài đã tăng cường thêm 20 cán bộ giúp quá trình thông quan được diễn ra nhanh chóng, giải tỏa vấn đề ùn ứ hành lý.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhận định, hiện khách quá cảnh qua nhiều nước, điều này sẽ gây khó khăn cho việc dự báo số lượng người châu Âu về Việt Nam. Các hãng hàng không nước ngoài vẫn tiếp tục khai thác, do đó, lượng người về nước rất cao. Riêng trong hôm nay, số lượng đối lượng cần kiểm tra, kiểm dịch y tế, đi từ/đi qua vùng dịch về tăng hơn 3 lần so với hôm trước.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cảng hàng không quốc tế Nội Bài cần rút kinh nghiệm về cách phân luồng, giải toả, hạn chế tình trạng người dân, hành khách chờ lâu.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa có công văn gửi các Bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức cách ly người nhập cảnh phòng chống dịch.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Bộ Giao thông vận tải thông báo kịp thời số lượng chuyến bay, số lượng và thông tin hành khách, thời gian dự kiến hạ cánh, địa điểm hạ cánh các chuyến bay về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 cho các Bộ có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện việc tiếp nhận và tổ chức cách ly theo quy định.

Yêu cầu các hãng hàng không thông báo tới hành khách về việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, bệnh từ các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Theo Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng thông báo số khách đi từ các nước có dịch để có các phương án, phân luồng các chuyến bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, Chu Lai, Cần Thơ với lịch trình cụ thể.

Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cũng đề nghị nếu có điều kiện, cần thực hiện kiểm dịch y tế và tờ khai y tế từ khi khách còn trên máy bay. Trong trường hợp máy bay ùn tắc nhiều thì đưa về khu cách ly làm tờ khai và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Không lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay. Lực lượng quân đội sẵn sàng vận chuyển hành khách về khu cách ly tập trung theo quy định. Cùng đó, Phó trưởng ban yêu cầu các sân bay có khách nối chuyến (transit) bố trí phòng riêng cho hành khách trong quá trình chờ transit. UBND các tỉnh, thành phố trung ương bổ sung các đồng chí giám đốc cảng vụ là thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài cần phân công cụ thể nhiệm vụ cho các lực lượng, các vị trí nhân sự trong công tác phòng chống dịch COVID-19; Lên phương án dự phòng, đề phòng khi khách về nước đông; Giám sát chặt chẽ, tránh mất mát tài sản của khách; Bảo đảm khẩu phần ăn cho khách; Ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, đối tượng yếu thế; Cùng đó, phải tiến hành khử khuẩn liên tục tại các địa điểm trong cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Phối hợp với quân đội để đưa về cách ly theo quy định.

Tại sân bay Nội Bài, Hà Nội điều động 90 nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh 2.

Ảnh minh hoa

Thông tin Việt Nam+ đưa tin: Ngày 15/3, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế, trong mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp riêng của khối cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, trong thông báo trực tuyến, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo việc các nước EU áp đặt kiểm soát biên giới là đang đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt.

Động thái này được đưa ra khi Đức trở thành quốc gia EU mới nhất đóng cửa biên giới từ ngày 16/3, đối với người dân đến từ Pháp, Áo và Thụy Sĩ, trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19.

Bà von der Leyen nhấn mạnh EU đã thông qua một cơ chế ủy quyền xuất khẩu cho các thiết bị bảo vệ y tế. Điều này có nghĩa là hàng hóa y tế chỉ có thể được xuất khẩu sang các nước ngoài EU với sự cho phép rõ ràng của chính phủ thành viên.

Chủ tịch EC đánh giá đây là điều đúng đắn vì châu Âu cần trang thiết bị cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình.

Các hạn chế được áp dụng với một loạt các trang thiết bị như khẩu trang, kính, mặt nạ bảo vệ, tấm chắn mặt, bảo vệ mũi và quần áo bảo hộ.

Chủ tịch EC nhấn mạnh sự cần thiết đối với các nước EU là phải chia sẻ trang thiết bị với nhau, và các lệnh cấm xuất khẩu quốc gia, như Pháp và Đức, là rất phản tác dụng.

Trước đó cùng ngày, Ủy viên thị trường nội khối Thierry Breton nói rằng sau các cuộc thảo luận căng thẳng với Berlin và Paris, 2 nước đã đồng ý cho phép xuất khẩu trang thiết bị, đặc biệt là sang Italy - quốc gia tâm dịch ở châu Âu.

Ngày 15/3, chính phủ Hà Lan đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học, quán bar, nhà hàng, và một số địa điểm giải trí để chống lại sự lây lan của virus SARS-Cov-2.

Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Arie Slob cho biết từ ngày 16/3-6/4, các trường phổ thông và nhà trẻ sẽ đóng cửa, nhưng những em nhỏ có bố mẹ làm những công việc quan trọng sẽ được giữ ở trường.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 15/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại nước này để ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng.

Theo đó từ ngày 16/3, Serbia sẽ đóng cửa các trường học, nhà trẻ, trường đại học, các trung tâm thể thao... Những người trên 65 tuổi cũng được yêu cầu ở trong nhà. Các quán càphê và bar cũng bị hạn chế giờ mở cửa.

Bên cạnh đó, quân đội cũng được triển khai để bảo vệ các "địa điểm quan trọng", như những bệnh viện đang điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Vucic cũng cho hay chính phủ sẽ sớm nhóm họp để xác định các biện pháp hạn chế mới, khẳng định quyết định mới được đưa ra nhằm bảo vệ mạng sống của nhân dân, đặc biệt là những người lớn tuổi. Cho đến nay quốc gia vùng Balkan này đã ghi nhận 48 ca nhiễm.

LÊ NHUẬN (Tổng Hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh