Tai nạn nguy hiểm: Bất cẩn khi đút cháo vội cho con
- Y học 360
- 01:56 - 22/01/2020
Chiều tối 21/1, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhi bị hóc dị vật nguy hiểm.
Bệnh nhân là bé gái Phạm Tâm B. (1 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng khò khè, khó thở.
Trước đó bé được người nhà ăn cháo cá còn lẫn xương. Sau khi được đút ăn thì ho sặc sụa, tím tái và thở khó, thở nghe có tiếng rít.
Hốt hoảng, cha mẹ đưa bệnh nhi đến BV địa phương điều trị. Nhưng suốt 3 ngày vẫn không thuyên giảm nên người nhà quyết định chuyển bé đến BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM).
Thời điểm nhập viện tại BV Nhi Đồng 1, bệnh nhân sinh hiệu ổn nhưng khò khè, thở rít. Tiến hành khám và thực hiện nội soi, các bác sĩ phát hiện hạ thanh môn bé có 2 xương cá, khí quản có 2 xương và phế quản gốc trái có đến 3 mảnh xương.
Nhờ được xử lý, gắp xương kịp thời, hiện bé gái đã qua giai đoạn nguy hiểm, đang được theo dõi tại khoa Tai Mũi Họng của BV.
Các bác sĩ cho biết, hóc xương cá là dị vật họng rất thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên xương thường khá mỏng, nhỏ nên khi thăm khám rất khó phát hiện.
Trẻ em lại hay nôn ói, khóc nhiều, không hợp tác với bác sĩ nên thường chỉ có nội soi họng, hạ họng mới có thể thấy và lấy ra được.
Do đó, bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh nên lưu ý hết sức cẩn thận khi cho trẻ ăn cá có xương nhỏ như cá lóc, cá rô, cá thác lác, vỏ tôm…
Nếu thấy con em mình có các dấu hiệu như nôn ói nhiều, than đau họng, chảy nước miếng nhiều, bỏ ăn uống, sốt cao... cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng kiểm tra. Tránh để lâu gây các biến chứng, rủi ro nguy hiểm tính mạng.