Tai nạn đuối nước, điện giật “rình rập” trẻ trong những ngày hè
- Y học 360
- 22:47 - 11/06/2020
Trong đoạn clip được chia sẻ, thời điểm đó bé gái chơi một mình đã dùng tay trái bám vào đường dây điện sà xuống thấp. Ngay lập tức, bé ngã quỵ xuống sân.
Khoảng một phút sau, một phụ nữ mang bầu phát hiện đã dùng cán chổi gạt dây điện ra khỏi người bé, đồng thời hô hoán gọi người đưa bé đi cấp cứu. Cháu bé may mắn được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng.
Số trẻ phải nhập viện vì bỏng điện trong mùa hè luôn gia tăng đột biến. Theo các bác sĩ, nguyên nhân vì nhu cầu dùng điện trong mùa hè cao hơn. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, mùa hè được nghỉ học, trẻ thường rủ nhau thả diều, nhiều trường hợp không may diều vướng vào dây điện cao thế gây ra tai nạn…
Các chuyên gia cảnh báo, hè nào các bệnh viện cũng phải tiếp nhận những ca cấp cứu ở trẻ do bỏng, tai nạn điện giật, leo trèo ngã gãy tay chân, đuối nước… Nguyên nhân vì trẻ vốn hiếu động, tò mò, chưa nhận thức hết các mối nguy hiểm thường trực xung quanh. Mùa hè được nghỉ học, trẻ thường rủ nhau thả diều, nhiều trường hợp không may diều vướng vào dây điện cao thế gây ra tai nạn…
Ngoài tai nạn điện giật, đuối nước cũng thường xảy ra với trẻ vào mùa hè. Mới đây, tại Lào Cai trong lúc đi theo bố câu cá tại con suối gần nhà, do sơ suất, cháu D. (10 tuổi) và cháu H. (8 tuổi) bị trượt chân ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi. Tương tự tại Nghệ An, 2 học sinh tiểu học trốn gia đình đi câu cá ở bờ sông cũng bị đuối nước thương tâm. Trước đó, một nhóm học sinh hơn 10 người ở Hà Tĩnh rủ nhau ra hồ nước để tắm, không may 2 em bị đuối nước.
Tránh tai nạn điện giật, đuối nước cho trẻ
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết năm nào vào hè, thời tiết nóng, đi tắm, đi bơi là nhu cầu chính đáng của trẻ. Tuy nhiên, nếu tắm ở nơi không an toàn như ao hồ, sông suối ở ngoài tự nhiên, sông suối hoặc kể cả bể bơi như những chỗ sâu không có người canh gác, không có biển báo thì cũng rất dễ xảy ra tai nạn.
“Di chứng để lại cho trẻ khi bị đuối nước hết sức nặng nề, nếu để ngừng tim, ngừng thở quá lâu thì sẽ ảnh hưởng đến não. Não chỉ cần thiếu oxy 5 phút đã để lại di chứng mất não, dù cứu được cũng rất khổ cho trẻ”, PGS Dũng nhấn mạnh.
Theo PGS Dũng, gặp trẻ bị đuối nước thì cần cấp cứu càng nhanh càng tốt. Khi vớt trẻ, ngay lập tức phải cấp cứu ngừng tuần hoàn hà hơi thổi ngạt. Cần lưu ý là người xuống cứu nạn nhân bị đuối nước cũng cần phải đảm bảo an toàn cho chính mình, phải biết bơi. Thực tế, nhiều trường hợp xuống cứu cũng bị đuối nước theo.
Khi vớt trẻ lên, cần móc hết đờm rãi bùn đất, sau đó ép tim, thổi ngạt, cho đến khi tim đập trở lại thì đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất. Để tránh tai nạn đuối nước ở trẻ, PGS Dũng cho rằng nên cho trẻ đi tắm ở nơi an toàn như bể bơi nhưng không được quá sâu, bể bơi dành riêng cho từng độ tuổi. Đặc biệt là luôn có người lớn quan sát. Thực tế, bác sĩ từng gặp trường hợp trẻ đi bơi ở bể bơi cùng bố mẹ, đi trên thành bể bơi không may ngã xuống nước…
“Chúng tôi không khuyến khích trẻ đi tắm ở ao, hồ, sông, suối”, PGS Dũng nhấn mạnh.
Để phòng tránh tai nạn do điện giật, cần đảm bảo trẻ không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây điện giật. Để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được như để ngoài tầm với của trẻ, dùng dụng cụ chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến. Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện, các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục.
Đồng thời, giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm, nhắc nhở trẻ tránh xa nơi đây điện đứt rơi xuống, không lấy sào chọc dây điện…