THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:26

Tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với tăng năng suất lao động

 

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng  5 năm qua chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng đó là bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, gắn tái cơ cấu kinh tế với mô hình tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu kinh tế của chúng ta chuyển dịch tích cực, công nghiệp xây dựng trong GDP tăng từ 79,9% lên 82,6%, nông nghiệp thì giảm từ 20,1% - 17,4% trong GDP…Từng bước thay đổi và nâng cao kỷ cương trong đầu tư công. Bên cạnh đó, chúng ta cũng xử lý được một số tổ chức tín dụng yếu, và khoanh nợ xấu… Đây chính là dấu hiệu tốt trong tái cơ cấu nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần được tháo gỡ trong giai đoạn 2016 – 2020. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (Đoàn Thanh Hóa), thẳng thắn: vấn đề tái cơ cấu kinh tế thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhưng tăng trưởng mới chỉ theo chiều rộng, tức là tăng trưởng dựa vào lợi thế có sẵn, tài nguyên thiên nhiên; gia tăng lao động chủ yếu là tận dụng  giai đoạn dân số vàng (giai đoạn này chỉ đến 2025 là hết); dựa vào vốn đầu tư để phát triển nền kinh tế… Trong khi đó, quản lý nhà nước còn lỏng lẻo dẫn đến tư công còn lãng phí. Môi trường gánh hậu quả khá nặng nề, trật tự an toàn xã hội phức tạp. Văn hóa, các Lễ Hội tổ chức quá nhiều, lãng phí với 9 nghìn Lễ Hội cấp tỉnh trở lên…Bên cạnh đó nợ xấu ngân hàng chưa được xử lý mọt cách thực chất.

Từ những tồn tại trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lưu ý trong giai đoạn 2016 – 2020 cần xác rõ mô hình tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Dung đề nghị tái cơ cấu bằng cách chuyển mạnh từ tăng trưởng từ chiều rộng sang tăng trưởng có chiều sâu. Muốn vậy, phải dựa trên tăng hiệu quả sử dụng nguồn lao động mà ở đây là tăng năng suất lao động. Hai là, dựa vào yếu tố tổng hợp, đặc biệt là khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dung cũng chỉ ra một số vấn đề cấp bách cần phải giải quyết trong thời gian tới, đó là: khẩn trương cơ cấu lại thu chi ngân sách, tái cơ cấu đầu tư công, phải minh bạch số nợ này; tập trung xử lý ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng yếu kém. Phải công khai vấn đề này, và ai phải chịu trách nhiệm vấn đề này, cần phải chỉ rõ; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, đánh giá thực chất hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh sắp xếp lại, tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công lập. “Lập ra một đơn vị sự nghiệp công phát sinh biên chế rất lớn. Nếu không tập trung tái cơ cấu sự nghiệp công lập thì không bao giờ thực hiện được cải cách tiền lương, không nâng lương được. Do vậy, cần mạnh dạn chuyển đổi nếu đơn vị sự nghiệp công lập nào đủ điều kiện thì giao tự chủ toàn phần, còn lại chuyển sang tự chủ từng phần”, Bộ trưởng Dung phân tích.

Cũng theo Bộ trưởng Dung, cần quan tâm đến kịch bản biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và xuất khẩu đặc biệt trong môi trường mở cửa như hiện nay. “Trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế vấn đề xuất khẩu vẫn chưa được đề cập nhiều. Xu hướng nền kinh tế thế giới là xuất khẩu. Nếu không đẩy mạnh xuất khẩu thì chúng ta mở cửa để làm gì, vào TPP để làm gì?”, Bộ trưởng Dung lưu ý.

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh