CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:01

Tài chính y tế: Thiếu bền vững và chưa hiệu quả

 

Toàn cảnh Hội thảo.                                             Nguồn ảnh: Internet.

Phân bổ và sử dụng kinh phí chưa phù hợp

Đề cập đến những vấn đề còn tồn tại trong chính sách tài chính y tế, TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay việc huy động nguồn tài chính y tế chưa thực sự bền vững trong tạo nguồn tài chính công. Cụ thể, nguồn ngân sách nhà nước không cao (chiếm 35%), nguồn bảo hiểm xã hội thấp (19%), chủ yếu từ nguồn hộ gia đình (44,3%); mức phân bổ ngân sách nhà nước cho y tế khó tăng lên, tốc độ tăng chi cho y tế thấp hơn tốc độ tăng GDP; việc cân đối thu chi bảo hiểm y tế khó khăn trong mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tăng giá viện phí, tăng tần suất sử dụng dịch vụ, gia tăng chi phí khám chữa bệnh, viện trợ bị cắt giảm.

Bên cạnh đó, mức phân bổ và sử dụng kinh phí chưa phù hợp, vẫn còn diễn ra tình trạng lãng phí trong sử dụng thuốc, kỹ thuật y tế; việc xác định các thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế trong gói quyền lợi của bảo hiểm y tế chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu bằng chứng về tính chi phí hiệu quả và chưa dựa trên quy trình minh bạch; chưa sử dụng công cụ giá một cách chiến lược để điều chỉnh số lượng, chất lượng dịch vụ cung ứng.

Ngoài ra, theo TS Mai Oanh, phương thức chi trả dịch vụ y tế chưa hợp lý; mức độ bảo vệ rủi ro về tài chính chưa cao; có sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, sử dụng dịch vụ y tế và mức độ bảo vệ rủi ro về tài chính giữa nhóm thu nhập cao và thấp, giữa miền núi và thành thị, giữa dân tộc ít người và người Kinh.

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, GS, TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng, xét về cấu trúc nguồn vốn trong tài chính y tế hiện nay, tỷ trọng chi trả trực tiếp của người dân có giảm, tỷ trọng chi trả bảo hiểm y tế có tăng. Tuy vậy, tỷ trọng chi trả trực tiếp của người dân vẫn ở ranh giới dẫn đến sự mất công bằng nghiêm trọng. Do vậy, cần xác định tỷ trọng giữa nguồn chi trả trực tiếp của người dân bao nhiêu là vừa, nhưng không thể để xấp xỉ hoặc lớn hơn 50%.

Đẩy mạnh BHYT toàn dân để có hệ thống tài chính y tế bền vững

Để đảm bảo công bằng về tài chính y tế, GS,TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Một nền y tế tốt là một nền y tế có khả năng phòng bệnh và chữa bệnh tốt đồng thời phải là một nền y tế có cơ chế tài chính tốt đảm bảo để người dân không bị nghèo hóa do không vượt qua nổi những gánh nặng chi phí. Do đó, xây dựng một cơ chế tài chính tốt trong y tế là nhiệm vụ của ngành y tế”.

Còn theo TS Mai Oanh, để xây dựng một hệ thống tài chính y tế bền vững, công bằng và hiệu quả, cần tăng nhanh đầu tư công cho y tế; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ngành y tế; sử dụng nguồn tài chính hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu này, cần huy động nguồn tài chính đa dạng và bền vững, trong đó phải đảm bảo nguồn thu bảo hiểm y tế ở khu vực lao động chính quy, đổi mới phương thức bao phủ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hợp lý để hỗ trợ các nhóm dân cư yếu thế và nhóm dân cư khó có khả năng đóng phí bảo hiểm y tế; tập trung quản lý, phân bổ nguồn tài chính hợp lý, chia sẻ rủi ro, tăng cường hình thức mua dịch vụ y tế có tính chiến lược, tăng hiệu quả sử dụng kinh phí...

Trước đó, trong Chiến lược Tài chính y tế giai đoạn 2016 - 2025 vừa được xây dựng, Bộ Y tế cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Mở rộng diện bao phủ dân số một cách bền vững, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân; đảm bảo tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, công bằng, hiệu quả, đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân. Trên cơ sở đó, các chỉ tiêu cụ thể chiến lược đưa ra cần đạt được bao gồm: Năm 2025, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt ít nhất 85 - 90%, trong đó có toàn bộ người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi và các nhóm dân cư dễ tổn thương khác; có chính sách và cơ chế chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở; tăng tỷ trọng chi tiêu công trong tổng chi tiêu y tế: Tỷ trọng chi tiêu công cho y tế trên GDP đạt 4,5%; giảm dần tỷ trọng chi tiêu tiền túi cho y tế không vượt quá 30% tổng chi cho y tế...

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh