Tai biến sau tiêm chủng sẽ được bồi thường
- Sức khỏe
- 13:12 - 27/07/2015
Đây là một trong những nội dung của Dự thảo nghị định về hoạt động tiêm chủng văcxin (trong chương trình tiêm chủng Quốc gia) đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến và dự kiến có hiệu lực vào năm 2016. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế xây dựng một nghị định riêng về hoạt động tiêm chủng.
Người dân tiêm vắcxin trong chương trình tiêm chủng quốc gia sẽ được bồi thường nếu xảy ra tai biến
Theo đó, khi sử dụng văcxin bắt buộc, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng. Những trường hợp này được xác định nguyên nhân do sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do chất lượng văcxin.
Mức độ bồi thường gồm các thiệt hại do phải khám bệnh, chữa bệnh; thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút; để lại di chứng và thiệt hại đến tính mạng. Cụ thể, trường hợp phải nhập viện điều trị, người bị thiệt hại sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; hỗ trợ thiệt hại vật chất cho người phải nghỉ việc không hưởng lương để chăm sóc.
Nếu để lại di chứng, người bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ thêm bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu bị tổn thương cơ thể 11-15%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ trên 15% đến 80%.
Trong trường người đi tiêm hợp bị tổn thương cơ thể từ 81% sẽ được hỗ trợ bằng 30 lần mức lương cơ sở đồng thời, được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo mức độ khuyết tật theo quy định hiện hành của pháp luật về người khuyết tật.
Nếu chẳng may người tiêm chủng bị tử vong thì ngoài chi phí khám chữa bệnh, thiệt hại vật chất cho người phải nghỉ làm không hưởng lương để chăm sóc, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm chi phí mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở. Đồng thời, cũng bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc cho người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại... . Mức bồi thường này bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ, khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, cơ sở y tế có trách nhiệm báo cáo cho Sở Y tế, đồng thời báo cáo cho tuyến trên trong thời gian sớm nhất nhưng không quá 24 giờ kể từ khi xảy ra tai biến. Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin cấp tỉnh để xem xét tiến hành điều tra, đánh giá nguyên nhân và thông báo kết luận về nguyên nhân cho các cơ quan liên quan và Bộ Y tế.
Dự thảo cũng quy định 5 hành vi bị nghiêm cấm như: thực hiện tiêm chủng tại cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, sử dụng văcxin vào mục đích khác, người khám sàng lọc tư vấn không có giấy chứng nhận tham dự tập huấn về tiêm chủng...
Tiêm chủng được thực hiện tại các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động. Việc tổ chức tiêm chủng tại nhà chỉ được thực hiện tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ và do Giám đốc Sở Y tế xem xét, quyết định.