Tác hại khôn lường khi cha mẹ đánh, cãi nhau trước mặt con
- Y học 360
- 06:52 - 19/09/2021
Vì sao vợ chồng cãi vã, thậm chí đánh nhau?
Bát đũa còn có lúc xô, huống chi vợ chồng sống chung cả đời. Các cặp đôi có thể cãi vã, thậm chí đánh mắng nhau do cái tôi của cả hai quá lớn, do gặp khó khăn trong công việc, do áp lực cơm áo gạo tiền, do tác động của gia đình nội, ngoại, do không hòa hợp về đời sống tình dục, do thiếu tin tưởng, do bất đồng trong vấn đề chăm sóc nuôi dạy con cái, do vợ hoặc chồng không chia sẻ việc nhà, do tác động của các chất kích thích như bia, rượu, ma túy, do có người thứ ba xen vào…
Hầu hết các bậc cha mẹ đều nhận thức được rằng không nên đánh, cãi nhau, đặc biệt là trước mặt con cái. Nhưng khi nảy sinh mâu thuẫn, theo bản năng, họ rất khó có thể kiềm chế cảm xúc để giải quyết vấn đề một cách êm thấm, trong hòa bình.
Những vấn đề nhỏ trong cuộc sống, một số bậc cha mẹ sẽ chọn cách "chín bỏ làm mười", hoặc góp ý nhẹ nhàng với người bạn đời. Nhưng nếu người bạn đời vẫn cứ phớt lờ, người còn lại chắc chắn sẽ nổi điên lên.
Cô bạn thân của tôi, vốn là một nhân viên văn phòng, ưa gọn gàng, sạch sẽ. Chồng cô là một kỹ sư tuềnh toàng, thậm chí có phần hơi cẩu thả. Lúc yêu, cô không để ý mấy vấn đề nhỏ nhặt này, và nghĩ đàn ông họ không thể chỉn chu như phụ nữ, kỹ tính quá thì hay gia trưởng. Nhưng lấy về rồi, quần áo, đồ đạc anh vứt lung tung, bừa bãi khắp nhà, anh làm cô đi dọn phát mệt. Đã thế anh lại lười việc nhà, trăm thứ việc đổ lên đầu vợ. Đầu tiên, cô chỉ nhẹ nhàng góp ý với chồng. Sau góp ý không ăn thua, cô bắt đầu tỏ thái độ. Rồi khẩu chiến cũng xảy ra.
Ban đầu, cô còn nể mặt chồng chỉ mắng nhiếc khi anh ở một mình. Sau, cô khùng lên, có mặt bọn trẻ cũng ra sức chì chiết chồng. Mỗi lần như thế, chồng cô lại tự ái, xách xe đi đâu đó hoặc ra ngõ làm điếu thuốc cho đỡ stress. Nay Covid, giãn cách xã hội, anh không đi đâu được, đành ngồi im chịu trận.
Giá như ngay từ khi vợ nhẹ nhàng góp ý, anh chịu khó sửa đổi, sống gọn gàng, ngăn nắp một chút cho vợ đỡ vất vả thì hẳn cô đã không trở thành một bà vợ nói nhiều, cáu bẳn như này.
Mọi chuyện có lẽ sẽ cứ mãi như thế nếu như cô con gái lớn không lên tiếng cảnh tỉnh bố mẹ. Cô đề nghị bố phải sống có trách nhiệm, và mẹ đừng có giận cá chém thớt khiến cho không khí gia đình nặng nề, không ai muốn về nhà nữa.
Sau lần được con cái góp ý, ông bố cũng đã thay đổi, ít bừa bãi hơn, biết giúp vợ con làm việc nhà hơn; cô bạn tôi nhờ thế cũng bớt dữ dằn, càm ràm hơn. Gia đình cô đang dần lấy lại nếp sống vui tươi, hòa thuận.
Đó là cha mẹ cãi nhau mà không khí gia đình đã nặng nề như thế. Ở những nhà mà vợ chồng đánh, chửi nhau như cơm bữa trước mặt con thì không biết bọn trẻ sẽ phải tổn thương như thế nào?
Một em nhỏ từng tâm sự rằng, em rất sợ mỗi lần say rượu bố lại đánh chửi mẹ. Ông chửi vợ không biết đẻ con trai. Chửi nhà vợ nghèo không có tiền để ông phải nai lưng ra làm việc vất vả. Chửi vợ không biết lấy lòng bố mẹ chồng. Chửi không biết chăm chồng khi chồng say rượu… Khi vợ đỡ chồng hụt làm chồng ngã, ông giang tay tát bốp mặt vợ.
Hai cô con gái chứng kiến cảnh đó sợ rúm ró đứng góc nhà, không ai dám lại gần bố. Ngay cả lúc ông tỉnh, ăn nói điềm đạm thì cũng không đứa con nào muốn trò chuyện cùng bố. Chúng sợ bố, sợ đến nỗi nếu biết ông đi uống rượu, sẽ rủ mẹ về nhà ngoại để mặc ông ở nhà một mình. Thậm chí, có lúc, chúng chỉ muốn mẹ ly hôn để không phải chứng kiến những cảnh tượng bạo lực này.
Cha mẹ cãi vã, đánh nhau - Con trẻ là người tổn thương nhất
Nói về những ảnh hưởng tiêu cực khi trẻ phải chứng kiến cảnh cha mẹ đánh, cãi nhau, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết:
Việc bố mẹ cãi vã, đánh nhau trước mặt trẻ em được xem như một hình thức bạo lực gia đình, và đáng buồn là điều này không hề hiếm, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội
nhiều tỉnh, thành phố hiện nay. Tôi không rõ việc các bậc phụ huynh giải tỏa cảm xúc hay mâu thuẫn bằng bạo lực, cãi vã có giúp họ giải quyết được vấn đề hay không, nhưng chắc chắn điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới trẻ em.
Thứ nhất, việc bố mẹ đánh, cãi nhau sẽ để lại những tổn thương tâm lý đối với trẻ. Trong suy nghĩ của trẻ em, gia đình vốn dĩ là mái ấm, là nơi bình yên, việc phải chứng kiến bố mẹ đánh, cãi nhau sẽ phá vỡ niềm tin tốt đẹp này của trẻ. Khi bực tức, chúng ta rất khó kiểm soát lời nói và hành động của mình. Những hành vi bạo lực, những lời nói tiêu cực của bố mẹ dành cho nhau ít nhiều sẽ tạo ra nỗi sợ hãi, bất an ở trẻ, thậm chí ghi vào trong trí nhớ, kí ức của trẻ, gây ra những tổn thương tâm lý lâu dài. Có những tổn thương tâm lý ở trẻ phải mất rất nhiều thời gian để chữa lành, và cũng có những vết thương sẽ theo trẻ đến tận khi trưởng thành.
Thứ hai, mâu thuẫn có thể là không tránh khỏi nhưng cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực là hoàn toàn không phù hợp trong môi trường gia đình. Việc thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ đánh mắng, cãi vã để giải quyết mâu thuẫn sẽ khiến trẻ tin rằng sử dụng bạo lực, chửi mắng là cách để giải quyết vấn đề hoặc để đạt được điều mình muốn. Trẻ sẽ học theo những hành động, lời nói của bố mẹ, dẫn đến việc trẻ sẽ sử dụng bạo lực hoặc những lời lẽ không phù hợp trong cách ứng xử để giải quyết vấn đề với những người xung quanh.
Thứ ba, sự bất hòa giữa bố mẹ sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ gia đình, giữa bố mẹ với nhau và giữa bố mẹ với các con. Bố mẹ thường xuyên đánh nhau, cãi vã sẽ rất khó để tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái; đồng thời khiến trẻ thu mình lại, ít trò chuyện, tương tác với bố mẹ hơn.
Ngoài ra, bố mẹ thường xuyên đánh, cãi nhau cũng sẽ có xu hướng sử dụng các hình thức đánh, mắng, phạt, so sánh,… đối với con cái, điều này sẽ tăng thêm những tổn thương không chỉ ở tâm lý mà còn cả thể chất ở trẻ em.