Sửng sốt: Bầy thú sắp tuyệt chủng xuất hiện ở ven sông Hồng
- Tây Y
- 18:14 - 22/12/2015
Báo mèo, loài vật hoang dã đang sống thành bầy đàn ở bãi nổi ngay gần cầu Thăng Long.
Trong quá trình lần theo dấu chân của loài thú rừng sắp tuyệt chủng này, chúng tôi được biết chúng đang bị đám dân nhậu săn lùng, và ngay cả đám thợ săn thiện nghệ cũng đã “thấy hơi”, đang rình mò tìm đến.
Bảo vệ loài thú rừng quý hiếm này đang là lời khẩn cầu dành cho mọi người, đặc biệt là những cơ quan chức năng liên đới.
Thông tin này không chỉ khiến người dân mà ngay cả giới khoa học cũng giật mình.
Với những nông dân thành thị này thì hơn chục năm nay, loài vật chỉ thấy trong sách đỏ này đã bầy đàn xuất hiện trên đồng, thậm chí vào tận nhà dân để… dạo chơi.
Trước đây, khi lần đầu tiên thấy chúng, nhiều người đã hoảng hồn bởi nghĩ chúng là loài hung dữ, có thể tấn công con người.
Thông tin giật mình từ… dân nhậu
Tôi có anh bạn, do công việc nên anh thường đưa khách tới những quán nhậu nổi tiếng ở Hà thành.
Cách đây ít hôm, anh điện thoại thông báo với tôi một thông tin lạ lùng. Anh biết chỗ nương náu của một loài thú rừng vốn là đặc sản trên bàn nhậu của những người lắm tiền nhiều của.
Con vật anh nói tới đó chính là báo mèo. Khó tin là loài vật tưởng chỉ ẩn mình nơi rừng hoang rậm rạp nào ngờ sinh sống thành bầy đàn ở ngay Hà Nội. Thông tin này chính anh nghe được từ chủ một nhà hàng thân thiết.
Đôi báo mèo vừa được người dân bãi nổi bắt được.
Theo đó, nhà hàng này vẫn nhập báo mèo từ chính những thợ săn nghiệp dư. Hỏi địa chỉ cụ thể thì anh bảo nhà hàng giấu, chỉ cho biết những thợ săn ấy sống ngay ở bãi nổi sông Hồng.
Có được thông tin khó tin trên, ngay lập tức tôi vào cuộc truy tìm. Bắt đầu là từ bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên.
Sở dĩ tôi lần tìm ở đây là bởi ý nghĩ có thể nơi đó thuyền buôn từ mạn ngược về có mang theo loài động vật quý hiếm này. Và, khi cập bến ở đây, chúng xổng ra và lên bãi tìm đất “định cư”.
Thế nhưng, cả buổi kiếm tìm, hỏi nhiều người làm nông nghiệp ở bãi giữa này nhưng chẳng ai từng thấy bóng dáng cũng như dấu tích loài thú rừng hoang dã ấy.
Thậm chí, họ bảo, ở đây, đất chật người đông, đến chuột còn chẳng có huống chi là loài vật vốn chỉ sống ở rừng.
Nản, đang định rút quân thì chúng tôi có được thông tin đắt giá. Một lão ngư sống bằng nghề đáng cá ở bãi này cho biết, cách đây vài tháng, khi rong thuyền đến chòm bãi ở ngay dưới cầu Thăng Long, ông đã được một người quen ở đó mời lên nhà uống rượu.
Rượu quê thơm lừng, thức nhắm là nguyên nồi rựa mận. Vừa nâng chén, chủ nhà thật thà bảo đó là thịt thú rừng, đặc sản của vùng này.
Ban đầu, tưởng bạn mình đùa ông chẳng tin. Khi rượu đã ngà ngà, bạn ông mới bảo, nồi rựa mận ấy được chế biến từ thịt báo lửa, ông vừa mua chiều hôm trước.
“Ở đâu hiếm thịt thú rừng chứ ở đây thì không thiếu. Giá cũng chỉ nhỉnh hơn thịt chó chút thôi, dân ở đây vẫn chén suốt mà”, người bạn của lão ngư này đã khoe như vậy.
Lãnh địa của thú rừng sắp tuyệt chủng
Địa chỉ mà lão ngư này cung cấp đã đưa chúng tôi đến khu bãi nổi ở chếch dưới chân cầu Thăng Long, thuộc địa phận thôn Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Văn Quán san sát nhà, nhiều biệt thự lừng lững. Vài năm trước, khi cơn sốt đất tràn về, nơi yên bình này cũng chao đảo. Sau cơn sốt đất, dù kẻ khóc người cười nhưng đa phần người dân ở đây được lợi. Cứ dịch bờ rào vài mét là có tiền xây biệt thự.
Dân Văn Quán chủ yếu làm nông, cung cấp hoa, rau, củ, quả cho nội thành. Nơi người dân canh tác chính là chòm đất chìa ra ngay chếch cầu Thăng Long. Bãi bồi đó tồn tại từ mấy chục năm trước.
Trước đây, muốn ra bãi, người dân phải dùng thuyền. Tuy nhiên, hơn chục năm gần đây, sông Hồng thay đổi dòng chảy nên đã tự vật thành một con đường có thể phóng ô tô rầm rập.
Ông Sơn chỉ nơi báo mèo thường trú ẩn ở gần vườn ổi nhà mình.
Theo sự giới thiệu của lão ngư mà chúng tôi đã gặp ở bãi giữa sông Hồng, chúng tôi tìm đến lão nông nổi tiếng Phan Văn Sơn. Sở dĩ ông Sơn nổi tiếng ở xóm này là bởi ông đã bán phăng đất đai cả chục tỉ đồng ở nội thành để về hẳn đây vật lộn với nghề nông.
Ông Sơn tiếp chúng tôi ở ngay bãi nổi, dưới bóng những tán ổi xanh rờn. Thấy nhà báo đường đột tới thăm, ông Sơn có phần e ngại. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập thẳng vấn đề thì bỗng nhiên ông vô cùng hào hứng.
“Các anh đến hơi chậm đấy, vài hôm trước đám thanh niên ở đây còn bắt được cả đôi báo mèo đấy. Mỗi con nặng đến cả yến đấy chứ chẳng ít đâu.
Vườn nhà tôi đây này, chúng cũng hay mò đến lắm, có máy ảnh tốt là tôi chụp được ngay”, ông Sơn phấn khích.
Theo ông Sơn thì vườn ổi nhà ông rất hay được loài vật này viếng thăm. Cách đây vài hôm, trời gần trưa, khi ông đang lúi húi làm bầu cây thì ông giật mình bởi tiếng động nhẹ ngay sau lưng mình.
Tưởng vườn có trộm, ông giật mình quay lại thì thấy con báo mèo to như con chó nhà nuôi đang rón rén đến.
Chỗ ông đóng bầu cây giống nằm cạnh giếng khoan, có lẽ theo thói quen, khát nước nên “vị khách không mời” trên đã tìm đến. Bị phát hiện, con vật quý hiếm trên đã nhe răng, xù lông ra hù dọa rồi nhanh như cắt vọt vào đám lau lách ở gần đó.
“Hôm đó mà có vài ba người là bắt được nó ngay, một mình tôi thì không đuổi được”, ông Sơn tỏ vẻ tiếc nuối.
Như để chứng minh khu vườn nhà mình thường được loài động vật quý hiếm này viếng thăm, ông Sơn đã chỉ cho chúng tôi vô số những vết chân sắc nhọn còn hằn nguyên trên đất ở khu vườn. Không chỉ có nốt chân mà còn cả những bãi thải mà chúng để lại.
Bãi chất thải mà báo mèo để lại trên vườn nhà ông Sơn.
“Có một đặc điểm dễ dàng nhận dạng là phân của chúng luôn có những búi lông. Ở đây chẳng có gì ăn, chúng phải bắt chuột để sống. Lông ấy là lông chuột đấy”, ông Sơn cho biết.
Cả bầy chung sống với người
Ông Sơn bảo, có bận, ông còn thấy cả đàn gần chục con báo mèo kéo nhau đến hố nước ngay cạnh vườn nhà ông để giải khát.
“Chúng đi theo đàn, nhưng đàn ấy có lẽ chỉ là một gia đình thôi. Hai con bố mẹ đi trước, đàn con lỡ cỡ cứ rúc rích chạy theo”, ông Sơn kể.
Cạnh vườn ổi của ông Sơn là vườn hồng của gia đình ông Trần Như Sáu. Hôm chúng tôi đến, ông Sáu đang tỉa hoa để chiều đến đem giao cho đầu mối. Thấy chúng tôi hỏi chuyện báo lửa, ông Sáu cũng vô cùng phấn khích.
“Chẳng hiểu vì sao mà khu bãi bồi này thú rừng nhiều vô kể. Báo mèo, chồn, cầy hương có đủ hết. Nhưng nhiều nhất thì vẫn là báo mèo đấy, kỳ lạ lắm!”, giọng hồ hởi, ông Sáu cho biết.
Cũng giống như vườn ổi nhà ông Sơn, vườn hồng của ông Sáu cũng nhiều lần được báo mèo ghé thăm. “Chúng đến để bắt chuột đấy, cứ mấy ngày tôi lại thấy chúng đến một lần. Không hiểu ở rừng chúng thế nào chứ ở đây chúng khôn ranh lắm!”.
Sở dĩ ông Sáu khẳng định loài vật quý hiếm này khôn ranh là bởi có đêm ra vườn ông đã tận mắt thấy chúng săn mồi.
Vườn hồng nhà ông đánh luống cao, hàng này cách hàng kia chỉ vừa đủ để người lách qua. Tối ấy, qua vườn đi bắt chim, lia ánh đèn, ông giật mình bắt gặp cặp mắt đỏ rực. Sau phút giật mình, ông biết đó chính là cặp mắt của một chú báo mèo.
Sợ đánh động sẽ khiến “kẻ săn đêm” ấy bỏ chạy làm nát đám hoa đang chuẩn bị đến ngày thu hái, ông lặng lẽ rút lui. Thế nhưng, lia đèn sang luống bên cạnh, ông lại thấy một cặp mắt bắt đèn sáng rực nữa.
Luống thứ ba, thứ tư đều có những cặp mắt như hòn than ấy.
“Chúng săn mồi theo kiểu dàn hàng ở mỗi luống hoa. Giăng thiên la địa võng thế thì không con chuột nào thoát được”, ông Sáu nói giọng đầy kinh ngạc.
Ông Sáu chỉ những vết chân của báo mèo trên thân cây gần vườn hồng nhà mình.
Cạnh vườn nhà ông Sáu có gốc cây cao chưa đầy chục mét. Gốc cây này bà con đi làm đồng thường dừng chân tránh nắng.
Theo quan sát của chúng tôi, cả cánh đồng mênh mông có trơ trọi mỗi gốc cây ấy. Và, đó cũng là nơi mà lũ báo mèo thường đến leo trèo, đùa nghịch.
“Đêm qua chúng vừa đến đây đấy. Sáng nay ra đồng, tôi vẫn còn thấy thân cây ứa nhựa”, ông Sáu vừa nói vừa dẫn chúng tôi đến gốc cây trên. Quả đúng như lời ông Sáu, thân cây chi chít những vết cào. Có vết đã cũ, có vết vẫn còn mới nguyên.
Những chú báo mèo này từ đâu mà đến, mời độc giả theo dõi thông tin này ở kỳ sau.
(Còn nữa)