Sục máy ozone có thể diệt được khuẩn hữu cơ và vi sinh
- Y học 360
- 23:47 - 20/09/2016
Sục ozone quá lâu thực phẩm sẽ bị mất chất
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn bủa vây bữa ăn người tiêu dùng, không ít gia đình đã tìm mua máy sục ozone làm cứu cánh để loại bỏ bớt những vi khuẩn, tạp chất cũng như những hóa chất độc hại có thể tồn tại trong những loại thực phẩm sử dụng hàng ngày. Giá bán bán mỗi chiếc máy sục Ozone trên thị trường ở mức 1,5 - 2,5 triệu đồng. Với số tiền này, để có được thực phẩm an toàn, nhiều gia đình sẵn sàng chi để mua máy về sử dụng.
GS Nguyễn Hoàng Nghị trình bày về công dụng máy sục ozone
Chị Trịnh Quỳnh Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) kể: “Mấy năm nay, nhà tôi mua máy sục ozone về để sục thực phẩm với hy vọng loại bỏ những chất độc hại. Mẹ tôi mua cái gì về cũng cho vào sục, từ thịt cá, rau củ quả đến đồ chơi của các cháu. Khi cho thịt vào thì máy sục lên toàn bọt, nước đục ngầu và mẹ tôi cho rằng nước đục ngầu đó là những chất độc và những tạp chất có trong thịt. Thực sự, gia đình cũng rất lo không biết nước đục đó là nước gì, không lẽ thịt lại có nhiều tạp chấp đến thế?”.
GS Nguyễn Hoàng Nghị - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội là “cha đẻ” của loại máy sục ozone cho biết, tính chất của ozone chỉ có tác dụng khử khuẩn hữu cơ (phần lớn xuất hiện ở các loại rau củ quả còn tồn dư phân hữu cơ, chất bảo quản thực vật) và vi sinh như vi khuẩn ecoli (vi khuẩn đường ruột); hoặc diệt khuẩn, nấm mốc trong không khí. Còn với các loại thực phẩm chứa protein (chất đạm như thịt, cá…) thì máy ozone chỉ có tác dụng khử mùi (hôi, tanh), chứ không có tác dụng khử các chất vô cơ nhưng chỉ nên ngâm trong nước ozone trong vòng 5 phút, vì để lâu, các chất có lợi chứa trong thịt sẽ bị phân hủy hết.
“Máy ozone dùng để khử vi khuẩn do tính oxy hoá của khí ozone. Oxy hoá là quá trình oxy làm phá huỷ các chất ban đầu. Vi khuẩn hay các chất hữu cơ đều có thành phần chủ yếu từ 4 yếu tố C - H - O - N nên khả năng oxy hoá phá huỷ nó rất cao. Khi khử các chất này, vitamin và các chất hữu cơ ở thực phẩm rau củ quả không hề bị phá huỷ bởi khí ozone chỉ làm sạch bề mặt của thực phẩm. Để khí ozone phá huỷ được các chất dinh dưỡng thì phải cần rất nhiều thời gian thay vì 10 - 20 phút như hiện nay. Còn đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, thịt chỉ nên dùng máy ozone để sục khử mùi trong vòng khoảng 5 phút vì khử lâu miếng thịt sẽ không còn tốt”.
Bọt nổi lên khi sục thịt không phải là chất độc hại.
Theo giải thích của GS Nguyễn Hoàng Nghị, mẹ chị Quỳnh Hoa sục thịt nước đục ngầu vì sục thịt quá lâu nên các protein trong thịt bị phá vỡ. Người tiêu dùng cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để biết đối với những loại thực phẩm nào thì dùng thời gian sục sản phẩm trong bao lâu là phù hợp và an toàn.
Để có thực phẩm sạch phải mua thực phẩm an toàn
Để có được thực phẩm an toàn, theo các giáo sư, tiến sĩ khuyên người tiêu dùng trước tiên phải mua thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc.
Theo GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu - Nhà giáo nhân dân- Phó chủ tịch hội đồng khoa học TP. Hà Nội: “Để bảo vệ sức khoẻ, mỗi người có cách lựa chọn thực phẩm an toàn để tránh ô nhiễm. Ngoài sử dụng máy ozone thì trong bữa ăn hàng ngày, rau không thể chọn lung tung. Biết ô nhiễm vẫn mang về sục ozone thì không nên mà trước hết phải mua rau sạch. Bởi vì, khi làm sạch thực phẩm, đặc biệt là rau quả, phải có lựa chọn chứ không phải chọn rau không an toàn và về xử lý bằng máy ozone là xong. Bước đầu tiên vẫn là thực phẩm phải sạch".
Trong khi đó, TS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch Tổng hội thư ký dinh dưỡng Việt Nam cho rằng: “Tất cả mọi người cần phải biết ăn sao cho lành. Không có thực phẩm nào xấu, chỉ có cách ăn không đúng. Ngày xưa chúng ta rửa rau sống bằng thuốc tím vì dùng phân hữu cơ. Sau này, để giải quyết vấn đề trứng giun sán ở rau sống thì khuyên nên rửa từng cọng rau sống trực tiếp dưới vòi nước sạch. Ngày nay, việc rửa từng cọng rau dưới vòi nước là việc rất khó vì hầu như không ai có thời gian để làm việc này. Theo tôi, nếu sục ozone để trừ vi khuẩn cho rau quả an toàn thì nên làm. Đặc biệt là khi gia đình có nhu cầu ăn rau sống thì việc sục ozone sẽ đảm bảo an toàn. Còn sục ozone không thể khử hết các loại hoá chất”.